Chủ nhật, 03/12/2023|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử TRƯỜNG THCS THANH MỸ
Ngày ban hành:
08/09/2021
Ngày hiệu lực:
08/09/2021
Trạng thái:
Đã có hiệu lực

Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo : Ban hành Điều lệ trường mầm non

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

______

 Số: 14/2008/QĐ-BGDĐT

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______

 Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Điều lệ trường mầm non

_____

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ trường mầm non.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Quyết định này thay thế Quyết định số 27/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 20 tháng 7 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường mầm non và Quyết định số 31/2005/ QĐ-BGD&ĐT ngày 20 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định điều kiện tối thiểu cho các lớp mầm non, lớp mẫu giáo và nhóm trẻ độc lập có nhiều khó khăn ở những nơi không đủ điều kiện thành lập trường mầm non.

Điều 3. Các Ông(Bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ;

- Uỷ ban VHGD-TNTN&NĐ của Quốc hội;

- Hội đồng Quốc gia Giáo dục;

- Ban Tuyên giáo Trung ương;

- Bộ Tư pháp (Cục K.tr. VBQPPL);

- Công báo;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Website Chính phủ;

- Website Bộ;

- Như Điều 3 (để thực hiện);

- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDMN.

KT.BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 (Đã ký)

 

Phạm Vũ Luận

 

 

 

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


 

ĐIỀU LỆ

Trường mầm non

(Ban hành kèm theo Quyết định số 14 /2008/QĐ-BGDĐT ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Điều lệ Trường mầm non quy định về: Vị trí, nhiệm vụ, tổ chức và quản lý trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ; Chương trình và các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Tài sản của trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; Giáo viên và nhân viên; Trẻ em; Quan hệ giữa trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập với gia đình và xã hội.

2. Điều lệ này áp dụng đối với trường mầm non và trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục mầm non.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

1. Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Huy động trẻ em lứa tuổi mầm non đến trường; Tổ chức giáo dục hoà nhập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật.

3. Quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

4. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật.

5. Xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá hoặc theo yêu cầu tối thiểu đối với vùng đặc biệt khó khăn.

6. Phối hợp với gia đình trẻ em, tổ chức và cá nhân để thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

7. Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em tham gia các hoạt động xã hội trong cộng đồng.

8. Thực hiện kiểm định chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo quy định.

9. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Các loại hình của trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

Trường mầm non, trường mẫu giáo (sau đây gọi chung là nhà trường), nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được tổ chức theo các loại hình: công lập, dân lập và tư thục.

1. Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo công lập do cơ quan Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.

2. Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí hoạt động và được chính quyền địa phương hỗ trợ.

3. Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Điều 4. Phân cấp quản lý nhà nước đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

1. Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) quản lý nhà trường, nhà trẻ công lập trên địa bàn.

2. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) quản lý nhà trường, nhà trẻ dân lập; nhà trường, nhà trẻ tư thục và các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn.

3. Phòng giáo dục và đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với mọi loại hình nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn.

Điều 5. Tổ chức và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo dân lập; nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục; giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật

Tổ chức và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo dân lập; nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục; giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật thực hiện theo các quy định của Điều lệ này và Quy chế tổ chức, hoạt động của trường mầm non dân lập; Quy chế tổ chức, hoạt động của trường mầm non tư thục; Quy định về giáo dục hoà nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

 

Chương II

VỊ TRÍ, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TRƯỜNG MẦM NON, TRƯỜNG MẪU GIÁO, NHÀ TRẺ

 

Điều 6. Vị trí, nhiệm vụ của nhà trường, nhà trẻ

1. Nhà trường, nhà trẻ có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.

2. Nhà trường, nhà trẻ hỗ trợ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên cùng một địa bàn theo sự phân công của cấp có thẩm quyền và thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Điều 2 của Điều lệ này.

Điều 7. Tên nhà trường, nhà trẻ; biển tên nhà trường, nhà trẻ

1.Tên nhà trường, nhà trẻ được quy định như sau:

Trường mầm non (hoặc trường mẫu giáo hoặc nhà trẻ) và tên riêng của nhà trường, của nhà trẻ.

Không ghi loại hình nhà trường, nhà trẻ công lập, dân lập hay tư thục.

Tên nhà trường, nhà trẻ được ghi trên quyết định thành lập nhà trường, nhà trẻ, con dấu, biển tên nhà trường, nhà trẻ và các giấy tờ giao dịch.

2. Biển tên nhà trường, nhà trẻ

a) Góc trên bên trái

- Dòng thứ nhất : Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tên riêng của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó;

- Dòng thứ hai: Phòng Giáo dục và Đào tạo.

b) Ở giữa: Tên nhà trường, nhà trẻ theo quy định tại khoản 1 của Điều này;

c) Cuối cùng: Địa chỉ, số điện thoại, số quyết định thành lập hoặc số giấy phép thành lập của nhà trường, nhà trẻ.

Điều 8. Điều kiện thành lập nhà trường, nhà trẻ

Nhà trường, nhà trẻ được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập khi đảm bảo các điều kiện sau:

1. Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đi học. 2. Có từ ba nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trở lên với số lượng ít nhất 50 trẻ em và có không quá 15 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.

3. Có đủ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên theo tiêu chuẩn quy định tại các Điều 16, Điều 17 và Điều 38 của Điều lệ này.

4. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định tại Chương IV của Điều lệ này.

Điều 9. Thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập đối với nhà trường, nhà trẻ công lập và cho phép thành lập đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục.

Điều 10. Hồ sơ và thủ tục thành lập nhà trường, nhà trẻ

1. Hồ sơ đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ gồm:

a) Đề án thành lập nhà trường, nhà trẻ;

b) Tờ trình về Đề án thành lập nhà trường, nhà trẻ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ; Dự thảo quy chế hoạt động của nhà trường, nhà trẻ;

c) Ý kiến bằng văn bản của cơ quan có liên quan về việc thành lập nhà trường, nhà trẻ;

d) Báo cáo giải trình việc tiếp thu ý kiến của các cơ quan có liên quan và báo cáo bổ sung theo ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp huyện (nếu có);

đ) Sơ yếu lý lịch kèm theo bản sao văn bằng, chứng chỉ hợp lệ của người dự kiến làm hiệu trưởng.

2.Thủ tục thành lập nhà trường, nhà trẻ:

a) Uỷ ban Nhân dân cấp xã đối với nhà trường, nhà trẻ công lập; tổ chức và cá nhân đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 của Điều này;

b) Phòng giáo dục và đào tạo nhận hồ sơ, xem xét các điều kiện thành lập nhà trường, nhà trẻ theo quy định tại Điều 8 của Điều lệ này. Sau khi xem xét, nếu thấy đủ điều kiện, phòng giáo dục và đào tạo có ý kiến bằng văn bản và gửi hồ sơ thành lập nhà trường, nhà trẻ đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện;

c) Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập đối với nhà trường, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục theo quy định.

Trường hợp chưa quyết định thành lập nhà trường, nhà trẻ hoặc chưa cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có văn bản thông báo cho phòng giáo dục và đào tạo biết rõ lý do và hướng giải quyết.

Điều 11. Sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động, giải thể nhà trường, nhà trẻ

1. Sáp nhập, chia, tách nhà trường, nhà trẻ

a) Việc sáp nhập, chia, tách nhà trường, nhà trẻ phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục;

- Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;

- Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ;

- Bảo đảm quyền lợi của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên;

b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định sáp nhập, chia, tách nhà trường, nhà trẻ;

c) Hồ sơ, trình tự, thủ tục sáp nhập, chia, tách nhà trường, nhà trẻ để thành lập nhà trường, nhà trẻ mới được thực hiện theo các quy định tại Điều 10 của Điều lệ này.

2. Đình chỉ hoạt động nhà trường, nhà trẻ

a) Việc đình chỉ hoạt động của nhà trường, nhà trẻ được thực hiện khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

- Ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ em và cán bộ, giáo viên của nhà trường, nhà trẻ;

- Vi phạm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ;

- Không bảo đảm hoạt động bình thường của nhà trường, nhà trẻ.

b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định đình chỉ hoạt động của nhà trường, nhà trẻ.

Trong quyết định đình chỉ hoạt động của nhà trường, nhà trẻ phải ghi rõ lý do đình chỉ hoạt động, quy định rõ thời gian đình chỉ; các biện pháp bảo đảm quyền lợi của trẻ em, cán bộ, giáo viên và nhân viên.

Quyết định đình chỉ hoạt động của nhà trường, nhà trẻ phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng;

c) Hồ sơ, trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động hoặc cho phép hoạt động trở lại đối với nhà trường, nhà trẻ tuân theo các bước sau:

- Uỷ ban nhân dân cấp xã lập biên bản gửi phòng giáo dục và đào tạo về việc nhà trường, nhà trẻ vi phạm quy định tại điểm a, khoản 2 của Điều này;

- Phòng giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra, xác nhận lý do đình chỉ hoạt động đối với nhà trường, nhà trẻ và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, ra quyết định;

- Sau thời gian đình chỉ, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào biên bản xác nhận của các cơ quan chức năng để xem xét, quyết định cho phép trường hoạt động trở lại.

3. Giải thể nhà trường, nhà trẻ

a) Nhà trường, nhà trẻ bị giải thể khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

- Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động của nhà trường, nhà trẻ, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ;

- Hết thời gian đình chỉ mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;

- Mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;

- Theo đề nghị chính đáng của tổ chức, cá nhân thành lập nhà trường, nhà trẻ;

b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định giải thể nhà trường, nhà trẻ.

Trong quyết định giải thể phải nêu rõ lý do giải thể, các biện pháp bảo đảm quyền lợi của trẻ em, cán bộ, giáo viên và nhân viên.

Quyết định giải thể nhà trường, nhà trẻ phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Hồ sơ sáp nhập, chia, tách nhà trường, nhà trẻ bao gồm:

a) Đề án về sáp nhập, chia, tách nhà trường, nhà trẻ;

b) Tờ trình về Đề án sáp nhập, chia, tách nhà trường, nhà trẻ;

c) Các văn bản xác nhận về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác có liên quan.

Việc gửi hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ thẩm định, thẩm tra về thủ tục và hồ sơ, thời hạn giải quyết về sáp nhập, chia, tách nhà trường, nhà trẻ được thực hiện như đối với việc thành lập nhà trường, nhà trẻ.

Điều 12. Điều kiện và thủ tục đăng ký thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; sáp nhập, chia, tách, đình chỉ, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp phép trên cơ sở có ý kiến bằng văn bản của phòng giáo dục và đào tạo đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

2. Tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được cấp có thẩm quyền cho phép thành lập khi đảm bảo các điều kiện sau:

a) Đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các gia đình;

b) Có giáo viên theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 38 của Điều lệ này;

c) Có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho trẻ em và các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu theo quy định tại Điều 31, Điều 32, Điều 33 của Điều lệ này.

3. Thủ tục đăng ký thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập :

a) Tổ chức, cá nhân có hồ sơ đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã gồm: tờ trình đề nghị thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập kèm theo bản sao văn bằng, chứng chỉ hợp lệ của người dự kiến phụ trách cơ sở giáo dục đó;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, xem xét hồ sơ và có văn bản gửi phòng giáo dục và đào tạo đề nghị kiểm tra các điều kiện thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

c) Phòng giáo dục và đào tạo có ý kiến trả lời bằng văn bản gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Việc cho phép thành lập hoặc không cho phép thành lập phải được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

4. Biển tên lớp mẫu giáo, nhóm trẻ độc lập

Biển tên lớp mẫu giáo, nhóm trẻ độc lập được quy định như sau:

- Góc trên bên trái: Uỷ ban nhân dân xã/ phường, thị trấn và tên riêng của xã phường, thị trấn đó;

- Ở giữa: Lớp mẫu giáo, nhóm trẻ và tên riêng của lớp mẫu giáo, nhóm trẻ; Không ghi loại hình lớp mẫu giáo, nhóm trẻ công lập, dân lập hay tư thục.

- Cuối cùng: Địa chỉ, số điện thoại, số quyết định thành lập hoặc số giấy phép thành lập của lớp mẫu giáo, nhóm trẻ.

5. Sáp nhập, chia, tách, đình chỉ, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

a) Việc sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các gia đình;

- Bảo đảm quyền lợi của giáo viên và nhân viên;

- Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

b) Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp phép sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập;

c) Hồ sơ, trình tự, thủ tục sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập để thành lập trường mới được thực hiện theo các quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Điều lệ này;

d) Đình chỉ, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

- Uỷ ban nhân dân cấp xã lập biên bản gửi phòng giáo dục và đào tạo về việc các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 11 của Điều lệ này; Phòng giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra, xác nhận lý do đình chỉ hoạt động đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập và có ý kiến để Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, ra quyết định đình chỉ hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập;

- Sau thời gian đình chỉ, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã căn cứ vào biên bản xác nhận của phòng giáo dục và đào tạo để xem xét, quyết định cho phép các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập hoạt động trở lại;

- Các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập bị giải thể và thu hồi giấy phép hoạt động nếu xảy ra các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 11 của Điều lệ này.

Điều 13. Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo

1.Trẻ em được tổ chức theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo.

a) Đối với nhóm trẻ: trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ. Số trẻ tối đa trong một nhóm trẻ được quy định như sau:

- Nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi: 15 trẻ;

- Nhóm trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: 20 trẻ;

- Nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi: 25 trẻ.

b) Đối với lớp mẫu giáo: Trẻ em từ ba tuổi đến sáu tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo. Số trẻ tối đa trong một lớp mẫu giáo được quy định như sau:

- Lớp mẫu giáo 3- 4 tuổi: 25 trẻ;

- Lớp mẫu giáo 4-5 tuổi: 30 trẻ;

- Lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi: 35 trẻ.

c) Nếu số lượng trẻ em trong mỗi nhóm, lớp không đủ 50% so với số trẻ tối đa được quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1 của Điều này thì được tổ chức thành nhóm trẻ ghép hoặc lớp mẫu giáo ghép;

d) Khi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có một trẻ khuyết tật học hòa nhập thì sĩ số của lớp được giảm năm trẻ. Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo không quá hai trẻ cùng một loại tật.

đ) Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có đủ số lượng giáo viên theo quy định hiện hành. Nếu nhóm, lớp có từ 2 giáo viên trở lên thì phải có 1 giáo viên phụ trách chính.

2. Tuỳ theo điều kiện địa phương, nhà trường, nhà trẻ có thể có thêm nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo ở những địa bàn khác nhau để thuận tiện cho trẻ đến trường, đến nhà trẻ (gọi là điểm trường). Hiệu trưởng phân công một phó hiệu trưởng hoặc một giáo viên phụ trách lớp phụ trách điểm trường. Mỗi trường, mỗi nhà trẻ không có quá 7 điểm trường.

Điều 14. Tổ chuyên môn

1. Tổ chuyên môn bao gồm giáo viên, người làm công tác thiết bị giáo dục và cấp dưỡng. Tổ chuyên môn có tổ trưởng và tổ phó.

2. Nhiệm vụ của tổ chuyên môn gồm:

a) Xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ theo tuần, tháng, năm học nhằm thực hiện chương trình, kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và các hoạt động giáo dục khác;

b) Thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và quản lý sử dụng tài liệu, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị giáo dục của các thành viên trong tổ theo kế hoạch của nhà trường, nhà trẻ;

c) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non;

d) Đề xuất khen thưởng, kỷ luật giáo viên.

3. Tổ chuyên môn sinh hoạt định kỳ ít nhất hai tuần một lần.

Điều 15. Tổ văn phòng

1. Tổ văn phòng gồm các nhân viên làm công tác y tế trường học, văn thư, kế toán và nhân viên khác.

2. Nhiệm vụ của tổ văn phòng gồm:

a) Xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ theo tuần, tháng, năm nhằm phục vụ cho việc thực hiện các hoạt động của nhà trường, nhà trẻ về chăm sóc, dinh dưỡng;

b) Giúp hiệu trưởng quản lý tài chính, tài sản, lưu giữ hồ sơ của nhà trường, nhà trẻ;

c) Thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của các thành viên trong tổ theo kế hoạch của nhà trường, nhà trẻ;

d) Tham gia đánh giá, xếp loại các thành viên.

3. Tổ văn phòng sinh hoạt định kỳ ít nhất hai tuần một lần.

Điều 16. Hiệu trưởng

1. Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý các hoạt động và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nhà

trường, nhà trẻ.

2. Hiệu trưởng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm đối với nhà trường, nhà trẻ công lập; công nhận đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục theo đề nghị của Trưởng phòng giáo dục và đào tạo. Nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường công lập là 5 năm; hết nhiệm kỳ, hiệu trưởng được bổ nhiệm lại hoặc luân chuyển sang một nhà trường, nhà trẻ khác lân cận theo yêu cầu điều động. Sau mỗi năm học, hiệu trưởng được cấp có thẩm quyền đánh giá về công tác quản lý các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường, nhà trẻ.

3. Người được bổ nhiệm hoặc công nhận làm Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Có trình độ chuẩn được đào tạo là có bằng trung cấp sư phạm mầm non, có ít nhất 5 năm công tác liên tục trong giáo dục mầm non. Trường hợp do yêu cầu đặc biệt của công việc, người được bổ nhiệm hoặc công nhận là Hiệu trưởng có thể có thời gian công tác trong giáo dục mầm non ít hơn theo quy định;

b) Đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý; có uy tín về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ; có năng lực tổ chức, quản lý nhà trường, nhà trẻ và có sức khoẻ.

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng

a) Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục từng năm học; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;

b) Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường, nhà trẻ; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó. Đề xuất các thành viên của Hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định;

c) Phân công, quản lý, đánh giá, xếp loại; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển; khen thưởng, thi hành kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định;

d) Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản của nhà

trường, nhà trẻ;

đ) Tiếp nhận trẻ em, quản lý trẻ em và các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nhà trường, nhà trẻ; quyết định khen thưởng, phê duyệt kết quả đánh giá trẻ theo các nội dung nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định;

e) Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; tham gia các hoạt động giáo dục 2 giờ trong một tuần; được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định;

f) Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường, nhà trẻ hoạt động nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ;

g) Thực hiện xã hội hoá giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng.

Điều 17. Phó Hiệu trưởng

1. Phó Hiệu trưởng là người giúp việc cho Hiệu trưởng và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm đối với nhà trường, nhà trẻ công lập; công nhận đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục theo đề nghị của Trưởng phòng giáo dục và đào tạo.

2. Trường hạng I có 2 phó hiệu trưởng; trường hạng II có 1 phó hiệu trưởng; được bố trí thêm 1 phó hiệu trưởng nếu có từ 5 điểm trường hoặc có từ 20 trẻ em khuyết tật trở lên. Các hạng I, II của nhà trường, nhà trẻ được quy định tại Thông tư số 71/2007/TTLT- BGDĐT- BNV ngày 28 tháng 11 năm 2007 liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

3. Người được bổ nhiệm hoặc công nhận làm phó hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Có bằng trung cấp sư phạm mầm non, có ít nhất 3 năm công tác liên tục trong giáo dục mầm non. Trường hợp do yêu cầu đặc biệt của công việc, người được bổ nhiệm hoặc công nhận phó hiệu trưởng có thể có thời gian công tác trong giáo dục mầm non ít hơn theo quy định;

b) Có uy tín về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ; có năng lực quản lý nhà trường, nhà trẻ và có sức khoẻ.

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của phó hiệu trưởng:

a) Chịu trách nhiệm điều hành công việc do hiệu trưởng phân công;

b) Điều hành hoạt động của nhà trường, nhà trẻ khi được hiệu trưởng uỷ quyền;

c) Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; tham gia các hoạt động giáo dục 4 giờ trong một tuần; được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định.

Điều 18. Hội đồng trường

1. Hội đồng trường đối với nhà trường, nhà trẻ công lập, Hội đồng quản trị đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục được gọi chung là Hội đồng trường. Hội đồng trường là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, nhà trẻ, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, nhà trẻ, gắn nhà trường, nhà trẻ với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.

2. Cơ cấu tổ chức, nội quy hoạt động và thủ tục thành lập Hội đồng trường công lập:

a) Cơ cấu tổ chức:

Hội đồng trường công lập gồm: đại diện tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban giám hiệu (gồm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng), đại diện Công đoàn, đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện các tổ chuyên môn, đại diện tổ văn phòng.

Hội đồng trường có Chủ tịch, Thư ký và các thành viên khác. Chủ tịch Hội đồng trường không nhất thiết là hiệu trưởng. Số lượng thành viên Hội đồng trường có 7 hoặc 9 người.

b) Nội quy hoạt động:

- Hội đồng trường họp thường kỳ ít nhất hai lần trong một năm học. Trong trường hợp cần thiết, khi Hiệu trưởng hoặc ít nhất một phần ba số thành viên Hội đồng trường đề nghị, Chủ tịch Hội đồng trường có quyền triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường, nhà trẻ. Chủ tịch Hội đồng trường có thể mời đại diện chính quyền và đoàn thể địa phương tham dự cuộc họp của Hội đồng trường khi cần thiết.

Phiên họp Hội đồng trường được công nhận là hợp lệ khi có mặt từ ba phần tư số thành viên của Hội đồng trường trở lên (trong đó có Chủ tịch hội đồng). Nghị quyết của Hội đồng trường được thông qua và có hiệu lực khi được ít nhất hai phần ba số thành viên có mặt nhất trí. Các nghị quyết của Hội đồng trường được công bố công khai trong toàn nhà trường, nhà trẻ;

- Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ có trách nhiệm thực hiện các nghị quyết hoặc kết luận của Hội đồng trường về những nội dung được quy định tại Khoản 3 của Điều này. Khi Hiệu trưởng không nhất trí với nghị quyết hoặc kết luận của Hội đồng trường, phải kịp thời báo cáo xin ý kiến cơ quan quản lý giáo dục cấp trên. Trong khi chờ ý kiến của cấp trên, Hiệu trưởng vẫn phải thực hiện theo nghị quyết hoặc kết luận của Hội đồng trường đối với những vấn đề không trái với pháp luật hiện hành và Điều lệ trường mầm non.

c) Thủ tục thành lập:

Căn cứ vào cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Hội đồng trường, Hiệu trưởng tổng hợp danh sách nhân sự do tập thể giáo viên và các tổ chức, đoàn thể nhà trường, nhà trẻ giới thiệu, làm tờ trình đề nghị phòng giáo dục và đào tạo trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập Hội đồng trường. Chủ tịch Hội đồng trường do các thành viên hội đồng bầu ra; Thư ký hội đồng trường do Chủ tịch hội đồng trường chỉ định. Nhiệm kỳ của Hội đồng trường là 5 năm. Hằng năm, nếu có sự thay đổi về nhân sự, Hiệu trưởng làm văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định bổ sung, kiện toàn Hội đồng trường.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường công lập:

a) Quyết nghị về mục tiêu, chiến lược, các dự án, kế hoạch đầu tư và phát triển của nhà trường, nhà trẻ trong từng giai đoạn và từng năm học;

b) Quyết nghị về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản của nhà trường, nhà trẻ; giới thiệu người để bổ nhiệm làm hiệu trưởng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

c) Giám sát các hoạt động của nhà trường, nhà trẻ; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường, nhà trẻ.

4. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần, cơ cấu tổ chức, thủ tục thành lập và nội quy hoạt động của Hội đồng quản trị đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập; nhà trường, nhà trẻ tư thục được thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non dân lập, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non tư thục.

Điều 19. Hội đồng thi đua khen thưởng, Hội đồng tư vấn

1. Hội đồng thi đua khen thưởng do Hiệu trưởng thành lập vào đầu mỗi năm học. Hiệu trưởng là Chủ tịch hội đồng thi đua, khen thưởng. Các thành viên của hội đồng gồm: Phó Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ văn phòng.

Hội đồng thi đua khen thưởng giúp Hiệu trưởng tổ chức phong trào thi đua, đề nghị danh sách khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, trẻ em trong nhà trường, nhà trẻ.

Hội đồng thi đua khen thưởng họp vào cuối học kỳ và cuối năm học.

2. Trường hợp cần thiết, hiệu trưởng có thể thành lập các Hội đồng tư vấn giúp Hiệu trưởng về chuyên môn, quản lý nhà trường. Nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần và thời gian hoạt động của các hội đồng tư vấn do Hiệu trưởng quy định.

Điều 20. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam và đoàn thể trong nhà trường, nhà trẻ

1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong trường lãnh đạo nhà trường, nhà trẻ và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Đảng.

2. Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong nhà trường, nhà trẻ theo quy định của pháp luật và Điều lệ của từng tổ chức nhằm giúp nhà trường, nhà trẻ thực hiện mục tiêu giáo dục.

Điều 21. Quản lý tài sản, tài chính

1. Quản lý tài sản của nhà trường, nhà trẻ tuân theo các quy định của pháp luật. Mọi thành viên trong nhà trường, nhà trẻ có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ tài sản nhà trường, nhà trẻ.

2. Việc quản lý thu, chi từ các nguồn tài chính của nhà trường, nhà trẻ thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Chương III

CHƯƠNG TRÌNH VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG NUÔI DƯỠNG, CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ EM

 

Điều 22. Chương trình giáo dục, kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục

1. Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em căn cứ vào chương trình, hướng dẫn nhiệm vụ năm học và điều kiện của từng địa phương.

2. Đối với trẻ khuyết tật được nhà trường, nhà trẻ thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục linh hoạt, phù hợp với khả năng của từng cá nhân và theo Quy định về giáo dục hoà nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật.

Điều 23. Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và tài liệu phục vụ chương trình giáo dục mầm non

1. Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và tài liệu hướng dẫn được sử dụng trong nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập có trách nhiệm trang bị thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và tài liệu phục vụ chương trình giáo dục mầm non; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

3. Tài liệu hướng dẫn chăm sóc trẻ khuyết tật theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 24. Hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em

1. Việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được tiến hành thông qua các hoạt động theo quy định của chương trình giáo dục mầm non.

2. Hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bao gồm: chăm sóc dinh dưỡng; chăm sóc giấc ngủ; chăm sóc vệ sinh; chăm sóc sức khoẻ và đảm bảo an toàn.

3. Hoạt động giáo dục trẻ bao gồm: hoạt động chơi; hoạt động học; hoạt động lao động; hoạt động ngày hội, ngày lễ.

4. Hoạt động giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật trong nhà trường, nhà trẻ tuân theo Quy định về giáo dục trẻ em tàn tật, khuyết tật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

5. Việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ còn thông qua hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho các cha mẹ trẻ và cộng đồng.

Điều 25. Hệ thống hồ sơ, sổ sách phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em

1. Đối với nhà trường

a) Hồ sơ quản lý trẻ em;

b) Hồ sơ quản lý trẻ em học hoà nhập (nếu có);

c) Hồ sơ quản lý nhân sự;

d) Hồ sơ quản lý chuyên môn;

đ) Sổ lưu trữ các văn bản, công văn;

e) Hồ sơ quản lý tài sản, cơ sở vật chất, tài chính;

f) Hồ sơ quản lý bán trú.

2. Đối với giáo viên

a) Sổ kế hoạch giáo dục trẻ em;

b) Sổ theo dõi trẻ: điểm danh, khám sức khoẻ, theo dõi đánh giá trẻ;

c) Sổ chuyên môn: dự giờ, tham quan học tập, ghi chép các nội dung sinh hoạt chuyên môn;

d) Sổ theo dõi tài sản của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.

Điều 26. Đánh giá kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em

1. Kiểm tra định kỳ sức khoẻ trẻ em: hai lần trong một năm học.

2. Theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ em: trẻ dưới 24 tháng tuổi một tháng cân trẻ một lần; trẻ trên 24 tháng tuổi một quý cân trẻ một lần.

3. Đánh giá sự phát triển của trẻ em: căn cứ quy định về chuẩn phát triển trẻ em theo độ tuổi do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trẻ em khuyết tật học hoà nhập được đánh giá sự tiến bộ dựa vào mục tiêu kế hoạch giáo dục cá nhân.

 

Chương IV

TÀI SẢN CỦA TRƯỜNG MẦM NON, TRƯỜNG MẪU GIÁO, NHÀ TRẺ, NHÓM TRẺ, LỚP MẪU GIÁO ĐỘC LẬP

 

Mục 1

TÀI SẢN CỦA TRƯỜNG MẦM NON, TRƯỜNG MẪU GIÁO, NHÀ TRẺ

Điều 27. Nhà trường, nhà trẻ

1. Nhà trường, nhà trẻ được đặt tại khu dân cư phù hợp quy hoạch chung, thuận lợi cho trẻ em đến nhà trường, nhà trẻ; đảm bảo các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường.

2. Độ dài đường đi của trẻ em đến nhà trường, nhà trẻ: đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp, khu tái định cư, khu vực ngoại thành, nông thôn không quá 1 km; đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 2km.

3. Diện tích khu đất xây dựng nhà trường, nhà trẻ gồm: diện tích xây dựng; diện tích sân chơi; diện tích cây xanh, đường đi. Diện tích sử dụng đất bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ đối với khu vực nông thôn và miền núi; 8m2 cho một trẻ đối với khu vực thành phố và thị xã.

4. Khuôn viên của nhà trường, nhà trẻ có tường bao ngăn cách với bên ngoài bằng gạch, gỗ, tre, kim loại hoặc cây xanh cắt tỉa làm hàng rào. Cổng chính của nhà trường, nhà trẻ có biển tên nhà trường, nhà trẻ theo quy định tại Điều 7 của Điều lệ này.

5. Cơ cấu khối công trình:

a) Yêu cầu chung

- Các công trình phải đảm bảo đúng quy cách về tiêu chuẩn thiết kế và các quy định về vệ sinh trường học hiện hành.

- Bố trí công trình cần đảm bảo độc lập giữa khối nhóm trẻ, lớp mẫu giáo với khối phục vụ; Đảm bảo an toàn và yêu cầu giáo dục với từng độ tuổi; Đảm bảo lối thoát hiểm khi có sự cố và hệ thống phòng cháy chữa cháy.

- Đảm bảo điều kiện cho trẻ em khuyết tật tiếp cận sử dụng.

b) Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo

Số phòng của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được xây dựng tương ứng số nhóm, lớp theo các độ tuổi của nhà trường, nhà trẻ, đảm bảo mỗi nhóm, lớp có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em riêng. Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em gồm:

- Phòng sinh hoạt chung;

- Phòng ngủ;

- Phòng vệ sinh;

- Hiên chơi.

c) Khối phòng phục vụ học tập: phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật hoặc phòng đa chức năng.

d) Khối phòng tổ chức ăn: khu vực nhà bếp và kho.

e) Khối phòng hành chính quản trị gồm:

- Văn phòng trường;

- Phòng hiệu trưởng;

- Phòng phó hiệu trưởng;

- Phòng hành chính quản trị;

- Phòng Y tế;

- Phòng bảo vệ;

- Phòng dành cho nhân viên;

- Khu vệ sinh cho giáo viên, cán bộ, nhân viên;

- Khu để xe cho giáo viên, cán bộ, nhân viên.

6. Sân vườn gồm: sân chơi của nhóm, lớp; sân chơi chung; sân chơi- cây xanh.

Điều 28. Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em

1. Phòng sinh hoạt chung: Đảm bảo 1,5 - 1,8m2 cho một trẻ; đủ ánh sáng tự nhiên và thoáng; nền nhà láng xi măng, lát gạch màu sáng hoặc gỗ. Được phép sử dụng phòng sinh hoạt chung làm nơi ăn, ngủ cho trẻ mẫu giáo. Phòng sinh hoạt chung có các thiết bị sau:

- Bàn, ghế của trẻ đúng quy cách và đủ cho số trẻ trong lớp;

- Bàn, ghế, bảng cho giáo viên;

- Hệ thống tủ, kệ, giá đựng đồ chơi, đồ dùng, tài liệu;

- Hệ thống đèn, hệ thống quạt.

2. Phòng ngủ: Đảm bảo 1,2 - 1,5m2 cho một trẻ; đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Phòng ngủ bao gồm các thiết bị sau:

- Giường, phản, chiếu, đệm, chăn, gối, màn, quạt tuỳ theo khí hậu từng miền;

- Hệ thống tủ, kệ, giá đựng các đồ dùng phục vụ trẻ em ngủ.

3. Phòng vệ sinh: Đảm bảo 0,4 - 0,6m2 cho một trẻ; đối với trẻ mẫu giáo có chỗ riêng cho trẻ em trai, trẻ em gái. Phòng vệ sinh có các thiết bị sau:

- Cho trẻ nhà trẻ:

+ Vòi nước rửa tay;

+ Ghế ngồi bô;

+ Có thể bố trí máng tiểu, bệ xí cho trẻ 24 - 36 tháng;

+ Vòi tắm;

+ Có thể có bể hoặc bồn chứa nước.

- Cho trẻ mẫu giáo:

+ Vòi nước rửa tay;

+ Chỗ đi tiểu và bệ xí cho trẻ em trai và trẻ em gái;

+ Vòi tắm;

+ Bể hoặc bồn chứa nước.

4. Hiên chơi

Đảm bảo 0,5 - 0,7m2 cho một trẻ, chiều rộng không dưới 2,1m; có lan can bao quanh cao 0,8-1m.

Điều 29. Nhà bếp

1. Đảm bảo 0,3- 0,35m2 cho một trẻ. Gồm có khu sơ chế, khu chế biến, khu nấu ăn, khu chia thức ăn; được thiết kế và tổ chức theo dây chuyền hoạt động một chiều.

2. Nhà bếp có các thiết bị sau đây:

a) Có đầy đủ đồ dùng phục vụ trẻ em ăn bán trú tại trường; Có dụng cụ chế biến thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm;

b) Có tủ lạnh để lưu mẫu thực phẩm của trẻ em ăn bán trú; Có đủ nước sử dụng, chất lượng nước phải được cơ quan Y tế kiểm định;

c) Đảm bảo việc xử lí các chất thải đúng quy định; Đảm bảo yêu cầu phòng chống cháy nổ.

Điều 30. Yêu cầu về thiết bị, đồ dùng đồ chơi, tài liệu

1. Nhà trường, nhà trẻ phải có đủ thiết bị, đồ chơi, đồ dùng cá nhân, tài liệu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sử dụng có hiệu quả trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

2. Nhà trường, nhà trẻ sử dụng các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu ngoài danh mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành phải đảm bảo tính giáo dục, an toàn, phù hợp với trẻ em mầm non.

3. Nhà trường, nhà trẻ phải có kế hoạch bảo quản, sửa chữa, thay thế, bổ sung, nâng cấp thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu.

 

Mục 2

TÀI SẢN CỦA NHÓM TRẺ, LỚP MẪU GIÁO ĐỘC LẬP

Điều 31. Yêu cầu đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

1. Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập không bị dột nát, được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, an toàn, đủ ánh sáng tự nhiên, thoáng và sắp xếp gọn gàng. Nền nhà láng xi măng, lát gạch màu sáng hoặc bằng gỗ.

2. Diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em: đảm bảo ít nhất 1,5 m2 cho một trẻ. Có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt và đủ nước uống hàng ngày cho trẻ.

3. Có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ, có phòng vệ sinh ít nhất 0,4 m2 cho một trẻ và phương tiện phù hợp với lứa tuổi và đủ phục vụ.

4. Những nơi có tổ chức ăn cho trẻ phải có bếp riêng, an toàn, bếp đặt xa lớp mẫu giáo, nhóm trẻ; Đảm bảo phòng chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện chế độ đăng kiểm thực phẩm.

Điều 32. Trang thiết bị đối với một nhóm trẻ độc lập

1. Có chiếu hoặc thảm cho trẻ ngồi chơi, giường nằm, chăn, gối, màn cho trẻ ngủ, dụng cụ đựng nước uống, giá để đồ chơi, giá để khăn và ca cốc cho trẻ, có đủ bô đi vệ sinh cho trẻ dùng; Một ghế cho giáo viên.

2. Có đủ thiết bị tối thiểu cho trẻ gồm: đồ chơi, đồ dùng và tài liệu phục vụ hoạt động chơi và chơi - tập có chủ đích.

3. Đủ đồ dùng cá nhân cho mỗi trẻ.

4. Có đồ dùng, tài liệu cho người nuôi dạy trẻ, gồm: bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; Sổ theo dõi trẻ; Sổ theo dõi tài sản của nhóm trẻ; Tài liệu dùng để phổ biến kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ.

Điều 33. Trang thiết bị đối với một lớp mẫu giáo độc lập

1. Có bàn, ghế đúng quy cách cho trẻ ngồi (đặc biệt đối với trẻ 5 tuổi): một bàn và hai ghế cho hai trẻ; Một bàn, một ghế và một bảng cho giáo viên; Kệ để đồ dùng, đồ chơi; Thùng đựng nước uống, nước sinh hoạt. Nếu lớp bán trú, có ván hoặc giường nằm, chăn, gối, màn, quạt phục vụ trẻ em ngủ.

2. Có đủ thiết bị tối thiểu cho trẻ bao gồm: đồ chơi, đồ dùng và tài liệu cho hoạt động chơi và học có chủ đích.

3. Đủ đồ dùng cá nhân cho mỗi trẻ.

4. Có đồ dùng, tài liệu cho giáo viên mẫu giáo gồm: bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; Sổ theo dõi trẻ; Sổ ghi chép tổ chức các hoạt động giáo dục của trẻ trong ngày; Tài liệu dùng để phổ biến kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ.

 

Chương V

GIÁO VIÊN VÀ NHÂN VIÊN

 

Điều 34. Giáo viên và nhân viên

Giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non là người làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Nhân viên là người làm nhiệm vụ phục vụ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Điều 35. Nhiệm vụ của giáo viên

1. Bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ em ở nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

2. Thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình giáo dục mầm non: lập kế hoạch chăm sóc, giáo dục; Xây dựng môi trường giáo dục, tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Đánh giá và quản lý trẻ em; Chịu trách nhiệm về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn, của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

3. Trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; Gương mẫu, thương yêu trẻ em, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; Bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

4. Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học nuôi dạy trẻ em cho cha mẹ trẻ. Chủ động phối hợp với gia đình trẻ để thực hiện mục tiêu giáo dục trẻ em.

5. Rèn luyện sức khỏe; Học tập văn hoá; Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

6. Thực hiện các nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành, các quy định của nhà trường, quyết định của Hiệu trưởng.

Điều 36. Nhiệm vụ của nhân viên

1. Thực hiện nhiệm vụ được giao theo kế hoạch và sự phân công của Hiệu trưởng.

2. Thực hiện quy chế chuyên môn nghề nghiệp và chấp hành nội quy của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

3. Bảo đảm an toàn cho trẻ trong ăn uống và sinh hoạt tại nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến ăn uống cho trẻ, đảm bảo không để xảy ra ngộ độc đối với trẻ.

4. Trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của bản thân và nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; đoàn kết, tương trợ giúp đỡ đồng nghiệp.

5. Rèn luyện sức khỏe, học tập văn hóa, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

6. Thực hiện nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật và của ngành, các quy định của nhà trường, quyết định của Hiệu trưởng.

Điều 37. Quyền của giáo viên và nhân viên

1. Được đảm bảo các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

2. Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, được hưởng lương, phụ cấp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật khi được cử đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

3. Được hưởng mọi quyền lợi về vật chất, tinh thần và được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ theo chế độ, chính sách quy định đối với nhà giáo.

4. Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự.

5. Được thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên và nhân viên

Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non; Trình độ chuẩn được đào tạo của nhân viên y tế học đường, kế toán là có bằng tốt nghiệp trung cấp theo chuyên môn được giao; Đối với nhân viên thủ quỹ, thư viện, văn thư, nấu ăn, bảo vệ phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ được giao.

Điều 39. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử, trang phục của giáo viên và nhân viên

1. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử của giáo viên phải đáp ứng yêu cầu giáo dục đối với trẻ em.

2. Trang phục của giáo viên và nhân viên gọn gàng, sạch sẽ phù hợp với hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Điều 40. Các hành vi giáo viên và nhân viên không được làm

1. Các hành vi giáo viên không được làm:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp;

b) Xuyên tạc nội dung giáo dục;

c) Bỏ giờ; Bỏ buổi dạy; Tuỳ tiện cắt xén chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục;

d) Đối xử không công bằng đối với trẻ em;

e) Ép buộc trẻ học thêm để thu tiền;

f) Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ em; Làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

2. Các hành vi nhân viên không được làm:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp;

b) Đối xử không công bằng đối với trẻ em;

c) Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ em; Làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em.

Điều 41. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Giáo viên và nhân viên có thành tích được khen thưởng, được tặng danh hiệu thi đua và các danh hiệu cao quý khác theo quy định.

2. Giáo viên và nhân viên có hành vi vi phạm các quy định tại Điều lệ này thì tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định.

 

Chương VI

TRẺ EM

Điều 42. Tuổi và sức khoẻ của trẻ em mầm non

1. Trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi được nhận vào nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

2. Không tiếp nhận trẻ em đang mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh bẩm sinh nguy hiểm vào học trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Điều 43. Quyền của trẻ em và chính sách đối với trẻ em

1. Được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo mục tiêu, chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trẻ em khuyết tật học hòa nhập theo quy định và được lập kế hoạch giáo dục cá nhân.

2. Được chăm sóc sức khoẻ ban đầu; được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.

3. Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu.

4. Được giảm phí đối với các dịch vụ vui chơi, giải trí công cộng.

5. Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 44. Nhiệm vụ của trẻ em

1. Đi học đều; Tham gia đầy đủ các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục dành cho trẻ em; Thực hiện các quy định của nhà trường.

2. Có lời nói, cử chỉ lễ phép, có thói quen vệ sinh văn minh phù hợp lứa tuổi.

3. Trang phục sạch sẽ, gọn gàng, phù hợp lứa tuổi, thuận tiện cho các hoạt động vui chơi và học tập.

4. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, nhà trường, nhà trẻ và nơi công cộng.

Điều 45. Khen thưởng, nhắc nhở

1. Trẻ em chăm, ngoan được khen ngợi, động viên, khích lệ.

2. Trẻ em mắc lỗi được giáo viên nhắc nhở và trao đổi với gia đình.

 

Chương VII

QUAN HỆ GIỮA TRƯỜNG MẦM NON, TRƯỜNG MẪU GIÁO, NHÀ TRẺ, NHÓM TRẺ, LỚP MẪU GIÁO ĐỘC LẬP VỚI GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

 

Điều 46. Trách nhiệm của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

1. Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập chủ động đề xuất biện pháp với cấp uỷ và chính quyền địa phương, phối hợp với gia đình và xã hội nhằm thống nhất quy mô, kế hoạch phát triển nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, các biện pháp giáo dục trẻ em và quan tâm giúp đỡ những trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

2. Phối hợp với cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân có liên quan nhằm:

a) Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học nuôi dạy trẻ cho cha mẹ và cộng đồng; thực hiện phòng bệnh, khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ em trong nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

b) Huy động các nguồn lực của cộng đồng chăm lo sự nghiệp giáo dục mầm non; góp phần xây dựng cơ sở vật chất; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn; tạo điều kiện để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Điều 47. Trách nhiệm của gia đình

1. Thường xuyên liên hệ với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập để được thông báo kịp thời tình hình của trẻ em nhằm phối hợp trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

2. Tham gia các hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, nhà trường, nhà trẻ góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Điều 48. Ban đại diện cha mẹ trẻ em của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

1.Nhà trường, nhà trẻ có Ban đại diện cha mẹ trẻ em của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và Ban đại diện cha mẹ trẻ em của nhà trường, nhà trẻ. Các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập có Ban đại diện cha mẹ trẻ em của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.

2. Ban đại diện cha mẹ trẻ em được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

 

 

KT.BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 (Đã ký)

 

Phạm Vũ Luận

 

Ngày ban hành:
04/04/2020
Ngày hiệu lực:
07/04/2020
Trạng thái:
Đã có hiệu lực

 

UBND THỊ XÃ SƠN TÂY HỘI ĐỒNG THI TUYỂN VIÊN CHỨC GIÁO DỤC NĂM 2019 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 

Số: 660 /TB-HĐTTVCGD 

| Sơn Tây, ngày 

2 tháng 12 năm 2019 

| THÔNG BÁO | Điểm thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc Hội đồng thi tuyển viên chức giáo dục thị xã Sơn Tây năm 2019 

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; 

Căn cứ Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; 

Căn cứ Thông tư số 03/2014/TT-BNV ngày 14/5/2014 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; 

Căn cứ Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 07/3/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội năm 2019; 

Căn cứ Quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 23/9/2014 của UBND thị xã Sơn Tây về việc thành lập Hội đồng thi tuyển viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trực thuộc UBND thị xã Sơn Tây năm 2019; 

Căn cứ kết quả thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành ngày 17/11/2019 của Hội đồng thi tuyển viên chức giáo dục thị xã Sơn Tây năm 2019; 

| Hội đồng thi tuyển viên chức giáo dục thị xã Sơn Tây thông báo điểm thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành trong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục thị xã Sơn Tây năm 2019 (Có danh sách kết quả điểm các môn thi kèm theo). 

| Thông báo này được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây (http://www.sontay.hanoi.gov.vn), niêm yết công khai tại trụ sở UBND thị xã Sơn Tây và các trường có chỉ tiêu thi tuyển./. 

TM. HỘI ĐỒNG TUYÊN DỤNG 

SẼ CHỦ TỊCH 

Nơi nhận: - Các thành viên HĐTD; - Ban Giám sát; - Văn phòng HĐND và UBND; - Các trường có chỉ tiêu thi; - Lưu: VT, HĐTT. * 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND THỊ Xà

Lê Đại Thăng 

ON 

to 

Cổ Đông 

UBND THỊ XÃ SƠN TÂY HỘI ĐỒNG THI TUYỂN VCGD NĂM 2019 

KẾT QUẢ ĐIỂM THI VIẾT MÔN NGHIỆP VỤ CHUYÊN NGÀNH TRONG KỲ THI TUYỂN VIÊN CHỨC GIÁO DỤC NĂM 2019 

T (Kèm theo Thông báo số 69TB-UBND ngày 02/44 /2019 của Hội đồng thi tuyển thị xã Sơn Tây) Cấp học: 01 Mầm non; 1 - Tiểu học; 2- THCS 

Phòng thi số 01 

STT SBD 

Vị trí việc làm Diện Ưu | Điểm ưu Họ và tên Ngày sinh GT |Cấp học Trường đăng ký thi 

Điểm thi đăng ký dự thi tiên 

tiên 

1 | ST0001 Ngô Thị 

Anh 

18/06/1991 Nữ 

| Cổ Đông Giáo viên Mầm non 

76.00 

2 | ST0004 Nguyễn Thị Thu Hà 

29/05/1996 Nữ o 

Cổ Đông 

Giáo viên Mầm non 

78.00 

3 | ST0006 Hoàng Thị 

Hoa 28/12/1995 Nữ 

Cổ Đông Giáo viên Mầm non 

77.00 

4 | ST0014 |Phạm Diệu 

Linh 01/09/1996 Nữ 

Giáo viên Mầm non 

74.00 

5 | ST0020 |Khuất Thị Hồng Nguyên | 20/08/1996 Nữ 

Cổ Đông Giáo viên Mầm non 

76.50 

6 | ST0031 Lê Thị Lan 

Hương 27/11/1991 Nữ 

Đường Lâm |Giáo viên Mầm non 

74.50 7 | ST0033 Nguyễn Thanh Huyền | 28/02/1995 Nữ 

Đường Lâm Giáo viên Mầm non 

77.50 8 | ST0034 |Phan Thị Kim Huyền | 13/03/1994 Nữ 

Đường Lâm Giáo viên Mầm non 

67.50 9 | ST0038 Nguyễn Thị Huyền Trang | 08/10/1990 Nữ 

Đường Lâm | Giáo viên Mầm non 

73.00 

10 | ST0039 Nguyễn Thị Ánh Tuyết 15/11/1991 

Nữ 

O | Đường Lâm Giáo viên Mầm non 

77.00 

11] ST0043 |Đào Thị Thu 

Hiền | 16/07/1996 Nữ O 

Họa Mi Giáo viên Mầm non 

78.50 12] ST0045 |Bùi Thị 

Thom 24/12/1991 Nữ 10 

Họa Mi Giáo viên Mầm non 

76.50 13 | ST0062 |Trần Thu 

Hiền 24/02/1991 Nữ 

O Quang Trung Giáo viên Mầm non 

78.50 

14] ST0066 Nguyễn Thùy 

Dung 

| 18/12/1990 Nữ O 

Sơn Đông Giáo viên Mầm non 

83.00 15 | ST0069 Nguyễn Thị Thu Hà 

02/10/1994 Nữ 

Sơn Đông Giáo viên Mầm non 

81.00 16 | ST0076 Đào Thị Mai Hương 17/12/1989 Nữ 

Sơn Đông Giáo viên Mầm non 

80.50 

17| ST0081 |Hoàng Thị Hà 

Linh 11/07/1989 Nữ 

Sơn Đông Giáo viên Mầm non 

77.00 

18 | ST0092 Nguyễn Thị Thanh Thủy 09/07/1987 Nữ 

Sơn Đông Giáo viên Mầm non 

81.00 | 19 | ST0111 Lương Thị Mỹ Hạnh 21/05/1995 Nữ 

Viên Sơn Giáo viên Mầm non 

80.00 

20 | ST0112 |Phùng Thị Thu 

Hiền 24/10/1996 Nữ 

Viên Sơn Giáo viên Mầm non 

81.50 

21| ST0117 Nguyễn Lệ 

Huyền 22/10/1984 Nữ 

Viên Sơn Giáo viên Mầm non 

80.50 22] ST0119 Nguyễn Thị Thanh Huyền 22/11/1992 Nữ 

Viên Sơn Giáo viên Mầm non 

77.00 

23 | ST0121 |Phùng Thị 

Lan 

06/04/1992 Nữ 

Viên Sơn Giáo viên Mầm non 

78.00 24 | STO125 |Kiều Thị 

Minh 06/09/1995 Nữ 

Viên Sơn Giáo viên Mầm non 

79.00 

251 ST0127 Nguyễn Thị Dung Phương 05/02/1985 Nữ 

Viên Sơn Giáo viên Mầm non 

86.00 26 | ST0129 |Kiều Thị 

Thêm 

10/01/1991 Nữ 

Viên Sơn Giáo viên Mầm non CTB 

65.00 27 | ST0131 Nguyễn Thị Hương Thu 03/04/1991 Nữ 

Viên Sơn Giáo viên Mầm non 

80.00 

UBND THỊ XÃ SƠN TÂY HỘI ĐỒNG THI TUYỂN VCGD NĂM 2019 

| KẾT QUẢ ĐIỂM THI VIẾT MÔN NGHIỆP VỤ CHUYÊN NGÀNH TRONG KỲ THI TUYỂN VIÊN CHỨC GIÁO DỤC NĂM 2019 

(Kèm theo Thông báo số 661/TB-UBND ngày k/44/ /2019 của Hội đồng thi tuyển thị xã Sơn Tây) Cấp học: 0 - Mầm non; 1 Tiểu học; 2- THCS 

Phòng thị số 02 

STT 

- SBD 

Họ và 

Diện Ưu 

Vị trí việc làm tên 

GT Ngày sinh 

Cấp học | Trường đăng ký thi 

Điểm đăng ký dự thi 

tiên ST0054 |Phùng Thị Thu Hằng 17/121987 Nữ 

Phú Thịnh Giáo viên Mầm non 

79.50 2 | ST0056 |Trần Thị Kim Huệ 

15/10/1995 Nữ 

Phú Thịnh Giáo viên Mầm non 

66.00 ST0060 Nguyễn Thị Thanh Thủy 22/08/1995 Nữ 

Phú Thịnh Giáo viên Mầm non 

81.00 | 4 | ST0142 Đỗ Thị Thu 

Trang 18/03/1995 Nữ 

Xuân Khanh Giáo viên Mầm non 

69.00 5 

ST0144 |Cao Thị Hồng 

Bích 

22/07/1990 Nữ 0 

Xuân Sơn Giáo viên Mầm non 

74.00 6 | 

ST0149 |Man Thị 

Hòa 

19/02/1990 Nữ | 0 

Xuân Sơn | Giáo viên Mầm non 

75.00 | 7 | ST0150 |Trương Thị Thanh Hương 23/09/1991 Nữ 

Xuân Sơn | Giáo viên Mầm non 

78.00 8 | ST0153 Nguyễn Thị Phương Loan 01/09/1989 Nữ 0 

Xuân Sơn Giáo viên Mầm non 

71.00 9 | ST0154 |Đỗ Thị 

Luyến | 21/11/1994 

/1994 Nữ 

Xuân Sơn | Giáo viên Mầm non 

68.00 | 10 | ST0156 Lê Thị Thu 

Thúy 

18/09/1994 Nữ 

Xuân Sơn Giáo viên Mầm non 

71.50 | 11 | ST0159 Vũ Thị 

Trang 

22/11/1995 Nữ 

Xuân Sơn Giáo viên Mầm non 

80.00 12 | ST0161 |Hoàng Thị 

Yến 

17/06/1988 Nữ 

Xuân Sơn Giáo viên Mầm non 

73.00 13 | ST0172 |Kim Ngọc 

Ánh 

22/09/1993| Nữ 

Đường Lâm | Giáo viên Văn hóa 

64.75 14 | ST0173 Đặng Thu 

Hà 

26/12/1995 Nữ 

Đường Lâm Giáo viên Văn hóa 

67.25 15 | ST0176 Phạm Minh 

Nguyệt | 17/051993] Nữ 1 Đường Lâm Giáo viên Văn hóa 

76.25 | 16 | ST0177 Nguyễn Thị Minh Phương | | 08/11/1995 Nữ | 

Đường Lâm | | Giáo viên Văn hóa 

56.75 | 17 | ST0179 |Cao Thị Thu 

21/06/1996 Nữ | 

Đường Lâm Giáo viên Văn hóa 

61.00 18 | ST0180 Nguyễn Thu 

26/10/1996 Nữ 

Đường Lâm Giáo viên Văn hóa 

65.00 19 | ST0181 |Trần Thị Thu 

Hà 

03/06/1976 Nữ 

| Lê Lợi 

Giáo viên Văn hóa 

53.75 20 | ST0184 Nguyễn Hồng 

Mai 

27/02/1996. Nữ 

| Lê Lợi 

Giáo viên Văn hóa 

70.50 21 | ST0187 |Lê Thị Minh 

16/08/1995 Nữ 

Lê Lợi 

Giáo viên Văn hóa 

69.75 22 | ST0188 Lương Thu 

Thảo 

24/10/1993 Nữ 

Lê Lợi 

Giáo viên Văn hóa 

64.50 23 | ST0189 Nguyễn Thị Thúy Thom 

19/08/1997 Nữ 

Lê Lợi 

Giáo viên Văn hóa 

72.00 24 | ST0191 Nguyễn Thị Hồng Vân 

22/03/1992 Nữ 

Lê Lợi 

Giáo viên Văn hóa 

65.00 25 | ST0192 |Phan Thị Bích 

Diệp 

22/08/1994 Nữ 

Phú Thịnh 

Giáo viên Văn hóa 

66.75 26 ST0193 |Tạ Thị Tuyết 

Mai 

10/10/1993 Nữ 

Phú Thịnh 

Giáo viên Văn hóa 

70.25 27 | ST0214 Nguyễn Thị 

Thủy 

15/11/1973| Nữ | 1 | Trung Hưng Giáo viên Văn hóa 

73.75 

Thùy Trang 

Phương | 

16 

Điểm 

tiên 

UBND THỊ XÃ SƠN TÂY HỘI ĐỒNG THI TUYÊN VCGD NĂM 2019 

KẾT QUẢ ĐIỂM THI VIẾT MÔN NGHIỆP VỤ CHUYÊN NGÀNH TRONG KỲ THI TUYỂN VIÊN CHỨC GIÁO DỤC NĂM 2019 

1 (Kèm theo Thông báo số 661/TB-UBND ngày 21/44/ /2019 của Hội đồng thi tuyển thị xã Sơn Tây) Cấp học: 0 - Mầm non; 1 - Tiểu học; 2- THCS 

- Phòng thị số 03 STT SBD | 

SBD 

Họ và 

Vị trí việc làm Diện Ưu tên 

Ngày sinh GT Cấp học | Trường đăng ký thi 

đăng ký dự thi 1 | ST0195 |Bùi Thị Xuân 

| Hướng 

15/08/1980] Nữ 

Quang Trung Giáo viên Văn hóa 

CLS 

54.50 2 | ST0198 Kiều Thị 

Loan 

07/12/1997| Nữ 

Quang Trung Giáo viên Văn hóa 

77.25 3 | ST0199 Nguyễn Hoàng 

Phúc 

20/11/1995 Nam 

Quang Trung Giáo viên Văn hóa 

66.75 4 | ST0200 Nguyễn Thị Nhu Quỳnh 27/03/1996 Nữ 

Quang Trung Giáo viên Văn hóa 

60.00 

ST0201 Khuất Thị Đài 

Trang 12/09/1993] Nữ 

Quang Trung Giáo viên Văn hóa 

71.50 

6 | ST0202 Lương Thị Ánh 

Tuyết 22/11/1996 Nữ 

Quang Trung Giáo viên Văn hóa 

Bỏ thi 

| 7 | ST0171 Lương Thị 

Thảo 

25/03/1987 Nữ 

Sơn Động Giáo viên Văn hóa 

73.00 

| 8 | ST0203 |Đặng Thị Thu 

Hương 12/02/1994] Nữ 

Sơn Đông Giáo viên Văn hóa 

57.50 

9 | ST0204 |Phùng Thị Vân 

Anh 

03/12/1995 Nữ 

Thanh Mỹ Giáo viên Văn hóa 

68.75 

10 | ST0205 Nguyễn Thị Ngọc 

26/06/1989| Nữ 

Thanh Mỹ Giáo viên Văn hóa DTTS 68.75 11 | ST0207 |Hà Thị 

Huyền 21/04/1979| Nữ 

Thanh Mỹ Giáo viên Văn hóa 

65.75 

| 12 | ST0208 Phạm Lê Thùy 

Linh 

31/08/1995 Nữ 

Thanh Mỹ Giáo viên Văn hóa 

56.00 

| 13 | ST0209 Nguyễn Thị Thu 

Thảo 

12/01/1994 Nữ 

Thanh Mỹ Giáo viên Văn hóa 

69.00 

| 14 | ST0210 Nguyễn Thị Thúy Ngà 

29/09/1997| Nữ 

| Trần Phú Giáo viên Văn hóa 

63.50 

| 15 | ST0211 |Nguyễn Thị 

Oanh 

05/05/1996 

| Trần Phú Giáo viên Văn hóa 

63.50 

16 | ST0212 |Phùng Thị 

Thom 

07/09/1987 Nữ 

| Trần Phú Giáo viên Văn hóa 

64.75. 

| 17| ST0215 |Hoàng Thị 

Ánh 

03/10/1995 Nữ 

Xuân Khanh Giáo viên Văn hóa 

70.00 

18 

| ST0216 Nguyễn Thị Kim 

Uyên 

13/03/1979| Nữ 

Xuân Khanh Giáo viên Văn hóa СТВ 

66.50 

19 | ST0217 Đỗ Thị 

Linh 

30/10/1994] Nữ 

Xuân Sơn Giáo viên Văn hóa 

84.50 

| 20 | ST0218 Phạm Thị Cẩm 

Nhung 10/08/1997 Nữ 

Xuân Sơn Giáo viên Văn hóa 

72.00 

21 | ST0219 Nguyễn Thị Thu 

Sen 

16/01/1993 Nữ 

| Cổ Đông 

Giáo viên Địa 

87.00 

22 | ST0220 Lê Thị 

Bích 

24/02/1989| Nữ 

Đường Lâm Giáo viên Địa 

93.50 

23 | ST0221 |Đặng Thị 

Khuyên 04/02/1994 Nữ 

Đường Lâm Giáo viên Địa 

89.50 

24 | ST0222 |Đàm Thị 

Nga 

15/10/1991 Nữ 2 

Đường Lâm Giáo viên Địa 

88.50 

25 | ST0223 |Cao Thị Hồng 

Nhung 

26/01/1992 Nữ 2 

Đường Lâm 

Giáo viên Địa 

88.50 | 26 | ST0224 Nguyễn Thị 

Hoài 

02/03/1991 Nữ 

Kim Son 

Giáo viên Địa 

88.00 

Hà 

GT 

UBND THỊ XÃ SƠN TÂY HỘI ĐỒNG THỊ TUYỂN VCGD NĂM 2019 

KẾT QUẢ ĐIỂM THI VIẾT MÔN NGHIỆP VỤ CHUYÊN NGÀNH TRONG KỲ THI TUYỂN VIÊN CHỨC GIÁO DỤC NĂM 2019 

- (Kèm theo Thông báo số 01/TB-UBND ngày 22/4//2019 của Hội đồng thi tuyển thị xã Sơn Tây) Cấp học: 0 - Mầm non Tiểu học; 2- THCS 

| Phòng thi số 04 

Vị trí việc làm Diện Ưu | STT SBD 

Họ và tên 

Ngày sinh. 

Trường đăng ký thi 

Điểm 

đăng ký dự thi tiên 1 ST0225 Lương Thị 

Thúy 27/06/1991| Nữ 2 Ngô Quyền | Giáo viên Địa 

89.50 21 ST0226 |Chu Hương 

Trang 12/02/1993 Nữ - 2 

Ngô Quyền Giáo viên Địa 

54.00 | 3 ST0227 |Cao Khánh 

Linh 

09/10/1995 Nữ 2 

Sơn Đông 

Giáo viên Địa 

87.00 4. ST0229 Hoàng Thu 

Huyền 28/08/1989| Nữ 

Trung Sơn Trầm | Giáo viên Địa 

58.00 5 | ST0230 Nguyễn Phương 

Thúy | 09/11/1995 Nữ 

Trung Sơn Trầm | Giáo viên Địa 

90.00 6 

ST0231 |Hoàng Thị 

Dương 18/04/1993 Nữ 

Viên Sơn 

Giáo viên Hóa 

67.50 | 7 ST0232 |Phạm Thị 

Hanh | 15/03/1994 Nữ 

Viên Sơn 

Giáo viên Hóa 

41.50 ST0233 Nguyễn Thị 

Mai 

17/06/1996] Nữ 2 

Viên Sơn 

Giáo viên Hóa 

61.50 9 ST0234 |Hoàng Thị Tuyết 

Thanh | 19/11/1994 Nữ 

Viên Sơn 

Giáo viên Hóa 

74.00 10 | ST0237 |Phạm Hài 

Giang 

| 01/08/1995 Nữ 

Xuân Sơn 

Giáo viên Hóa 

86.50 ST0238 Nguyễn Thị Bảo Khuyên 05/4/1990 Nữ 

Xuân Sơn 

Giáo viên Hóa 

61.50 ST0239 Phan Ngọc 

Linh 29/12/1996. Nữ 

Xuân Sơn 

Giáo viên Hóa 

65.00 13 ST0240 Nguyễn Thị 

| Miền 

25/11/1993| Nữ 

Xuân Sơn 

Giáo viên Hóa 

70.00 ST0243 Nguyễn Thị Phương Thanh | 14/04/1991 Nữ 

Cổ Đông 

Giáo viên Lý 

92.00 ST0245 Nguyễn Thị 

Huyền 30/12/1991| Nữ 

Đường Lâm 

Giáo viên Lý 

92.00 16 | ST0246 |Cao Thị 

Ninh 

30/05/1995 Nữ 

Đường Lâm 

Giáo viên Lý 

64.50 17 ST0248 Nguyễn Phương 

Trinh 21/06/1994| Nữ 2 

Đường Lâm 

Giáo viên Lý 

83.00 18 ST0257 Nguyễn Thị Thu 

Hương 13/08/1987 Nữ 

Đường Lâm 

Giáo viên Lý 

83.50 | 19 

ST0249 Nguyễn Thị Kim 

Anh 

19/09/1995 Nữ 

Sơn Đông 

Giáo viên Lý 

89.00 20 | ST0250 |Khuất Thị 

Nga 

23/12/1992| Nữ 

Sơn Đông 

Giáo viên Lý 

94.00 21 | ST0251 Vũ Thị Minh 

Nguyệt | 05/07/1994 Nữ 

Sơn Đông 

Giáo viên Lý СТВ 

87.00 22 ST0252 |Cát Thị 

Tuyền 19/09/1984 Nữ 

Sơn Đông 

Giáo viên Lý CĐCĐ 95.50 23 | ST0253 Phạm Thị 

Hoàn | 17/11/1993 Nữ 

Xuân Sơn 

Giáo viên Lý 

81.00 24 ST0254 |Đỗ Thị Như 

Quỳnh | 10/09/1995 Nữ 

Xuân Sơn 

Giáo viên Lý 

92.00 25 

ST0255 Nguyễn Phương 

Thảo 12/12/1994 Nữ 2 

Xuân Sơn 

Giáo viên Lý 

68.00 26 ST0256 GBạch Thị 

Trang 12/09/1991| Nữ 2 

Xuân Sơn 

Giáo viên Lý 

95.00 

2 21 

UBND THỊ XÃ SƠN TÂY HỘI ĐỒNG THI TUYÊN NCGD NĂM 2019 

6. 

81 

KẾT QUẢ ĐIỂM THI VIẾT MÔN NGHIỆP VỤ CHUYÊN NGÀNH TRONG KỲ THI TUYỂN VIÊN CHỨC GIÁO DỤC NĂM 2019 

A (Kèm theo Thông báo số 66/TB-UBND ngày 24/44/ /2019 của Hội đồng thi tuyển thị xã Sơn Tây) Cấp học: 0 - Mầm non; 1 - Tiểu học; 2- THCS 

| Phòng thị số 05 STT SBD 

Vị trí việc làm 

Diện Ưu Họ và tên 

Ngày sinh GT Cấp học | Trường đăng ký thi 

Điểm đăng ký dự thi 

tiên ST0164 |Phùng Thị Hằng 01/01/1992 Nữ 

Sơn Đông Giáo viên Giáo dục thể chất 

79.00 ST0165 Đỗ Thị Thu Thủy 

Thủy | 01/11/1987 Nữ 

Sơn Đông Giáo viên Giáo dục thể chất 

76.00 ST0168 Đoàn Thị Trang | 03/10/1993 Nữ | 1 

Trần Phú Giáo viên Giáo dục thể chất 

73.00 ST0259 |Đỗ Thị Huyền Trang 10/011990 Nữ 1 2 

Cổ Đông 

Giáo viên Sinh 

СТВ 

67.00 ST0260 |Đỗ Thị Thanh Hồng | 21/07/1993 Nữ 

Hồng Hà 

Giáo viên Sinh 

71.50 ST0261 Nguyễn Ngọc Huyền 22/04/1996 Nữ 

Hồng Hà 

Giáo viên Sinh 

56.00 7 | ST0262 |Đỗ Thị Ngân 

21/10/1994 Nữ 

Sơn Lộc 

Giáo viên Sinh 

60.50 ST0263 Trần Thị Thiên Trang 08/04/1994 Nữ 

Sơn Lộc 

Giáo viên Sinh 

71.00 9 | ST0265 Nguyễn Thị Mai 11/04/1994 Nữ 2 

Sơn Tây 

Giáo viên Sinh 

76.50 | 10 | ST0266 |Chu Thị Vân Anh 11/06/1990 Nữ 2 

Thanh Mỹ 

Giáo viên Sinh 

- СТВ 

57.00 | 11 | ST0267 |Đoàn Thị 

Duyên | 31/03/1989| Nữ 2 | Trung Sơn Trầm 

Giáo viên Sinh 

66.50 12 ST0268 |Kiều Nguyệt Nga | 29/01/1996] Nữ 2 

Viên Sơn 

Giáo viên Sinh 

65.00 13 ST0269 Lê Thị 

Nhung 02/04/1995] Nữ 

Viên Sơn 

Giáo viên Sinh 

53.00 | 14 | ST0270 |Vũ Thị 

Thắm | 04/12/1991 Nữ 

Viên Sơn 

Giáo viên Sinh 

76.50 | 15 | ST0271 Lương Thị Thúy Mai | 20/07/1994 Nữ 

Xuân Khanh 

Giáo viên Sinh 

57.00 | 16 | ST0272 Nguyễn Thế Anh 05/02/1989| Nam 

Xuân Sơn 

Giáo viên Sinh 

50.00 | 17| ST0273 |Hoàng Thị Mai Tuyết | 02/03/1984| Nữ 

Xuân Sơn 

Giáo viên Sinh 

70.50 | 18 | ST0274 Phan Thị 

Bình 05/11/1993| Nữ | 2 | Phùng Hưng 

Giáo viên Tin học 

75.50 19 | ST0275 Nguyễn Thị Việt Mỹ 20/02/1989 Nữ 2 

Phùng Hưng 

Giáo viên Tin học 

66.00 20 | ST0276 |Chu Duy 

Quỳnh 04/10/1980| Nam | 2 Phùng Hưng 

Giáo viên Tin học 

64.00 ST0277 

Thị Thu Hà 06/08/1997 Nữ | 2 

Thanh Mỹ 

Giáo viên Tin học 

54.00 22 | ST0278 |Đỗ Thị 

Hảo 10/12/1990 Nữ 

Thanh Mỹ 

| Giáo viên Tin học 

74.50 23 | ST0279 Vũ Thanh Hiền 20/09/1996 Nữ | 2 | Thanh Mỹ 

Giáo viên Tin học 

72.00 24 | ST0280 |Hà Thị 

Nhung | 18/9/1986 | Nữ 

Thanh Mỹ 

Giáo viên Tin học 

65.50 25 | ST0281 |Phí Thị Kim Chung | 20/09/1986 Nữ 

Xuân Sơn 

Giáo viên Tin học 

61.00 26 | ST0282 | Phạm Thị Quê | 23/3/1983 | Nữ | 2 | Xuân Sơn | Giáo viên Tin học 

74.50 

21 |

Ngày ban hành:
02/12/2019
Ngày hiệu lực:
Trạng thái:
Đã có hiệu lực

QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Phê duyệt nội dung, tài liệu ôn tập Vòng 1 kỳ thi tuyển viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học sơ sở công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội năm 2019. Cụ thể như sau: 

- Môn Kiến thức chung (Phụ lục số 01 kèm theo). - Môn Ngoại ngữ bao gồm: 

+ Tiếng Anh (Phụ lục số 2.1 kèm theo). + Tiếng Đức (Phụ lục số 2.2 kèm theo). + Tiếng Nga (Phụ lục số 2.3 kèm theo). + Tiếng Pháp (Phụ lục số 2.4 kèm theo). 

+ Tiếng Trung Quốc (Phụ lục số 2.5 kèm theo). Điều 2. Giao Sở Nội vụ công bố nội dung ôn tập vòng 1 trên website của Sở Nội vụ Hà Nội https://sonoivu.hanoi.gov.vn và chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thông báo nội dung, tài liệu ôn tập theo đúng quy định; 

Ngày ban hành:
01/10/2019
Ngày hiệu lực:
Trạng thái:
Đã có hiệu lực

 

 

Ký bởi: Sở Nội vụ Email: vanthu_sonv@hanoi.gov.vn Cơ quan: Thành phố Hà Nội Thời gian ký: 12.10.2019 09:14:29 +07:00 

QUYẾT ĐỊNH: | Điều 1. Phê duyệt nội dung, tài liệu ôn tập môn nghiệp vụ chuyên ngành xét tuyển, thi tuyển Vòng 2 tại kỳ tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục 

mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội năm 2019. Cụ thể như sau: 

- Giáo viên Mầm non (Phụ lục số 01 kèm theo). - Giáo viên Tiểu học (Phụ lục số 02 kèm theo). - Giáo viên Trung học cơ sở (Phụ lục số 03 kèm theo). 

- Nhân viên làm việc tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở (Phụ lục số 04 kèm theo). 

| Điều 2. Giao Sở Nội vụ công bố nội dung, tài liệu ôn tập môn nghiệp vụ chuyên ngành xét tuyển, thi tuyển Vòng 2 trên website của Sở Nội vụ Hà Nội https://sohoivu.hanoi.gov.vn và chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thông báo nội dung, tài liệu ôn tập theo đúng quy định; 

Giao Hội đồng tuyển dụng công bố trên website của đơn vị, tại trụ sở UBND quận, huyện, thị xã và thông báo tới thí sinh dự tuyến tại cơ quan, đơn vị. 

Điều 3. Sở Nội vụ; Tổ xây dựng nội dung ôn tập; Hội đồng thi tuyển, xét tuyển viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội năm 2019 và các cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. flexo 

TM. BAN CHỈ ĐẠO 

| KT, TRƯỞNG BAN PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC / 

Nơi nhận: - Như Điều 3; 

• UBND Thành phố; - Thành viên Ban chỉ đạo; - Sở GD&ĐT; - Tổ XDNDOT; - HĐTDVC quận, huyện, thị xã; - Luu: VT, CCVC. 

* YOK 

SOM INODHYY 

B NỘI VỤỆT 

TAN 

L, GIÁM ĐỐC SỞ NỘI VỤ 

Vũ Thu Hà 

Phụ lục số 01 DANH MỤCÔNỘI DUNG TÀI LIỆU ÔN TẬP XÉT TUYỂN, THI TUYỂN VÒNG 2 

8 NÊNGSC GIÁO DỤC QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ NĂM 2019 

% (Ban hành kèm theo Quyết định số: 4446 /QĐ-BCĐ TDCCVC ngày PE 6S9 của Ban Chỉ đạo tuyển dụng công chức cấp xã, viên chức các 

cơ sở giáo dục trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2019) 

HƯỚNG DẪN CHUYÊN MÔN TUYỂN DỤNG GIÁO VIÊN MẦM NON 

(Năm 2019) 

Phần I NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ÔN TẬP TRONG THI TUYỂN, XÉT TUYỂN GIÁO VIÊN MẦM NON 

1. Giới hạn nội dung 15 đề tài ôn tập soạn bài, giảng bài trong chương trình giáo dục mầm non, lứa tuổi mẫu giáo lớn 5-6 tuổi. 

1.1. Lĩnh vực giáo dục phát triển thể chất: Hoạt động phát triển vận động. Đề tài 1 

- Vận động cơ bản : “Đi trên ván kế dốc” 

- Trò chơi vận động: Tự chọn Đề tài 2 

- Vận động cơ bản : “Bò bằng bàn tay và bàn chân” 

| bò giữa 2 đường kẻ (rộng 40cm, dài 4-5m) - Trò chơi vận động: Tự chọn Đề tài 3 

- Vận động cơ bản : “Ném xa bằng 1 tay” 

- Trò chơi vận động: Tự chọn Đề tài 4 

- Vận động cơ bản : “Ném xa bằng 2 tay” 

- Trò chơi vận động: Tự chọn Đề tài 5 

- Vận động cơ bản : “Tung bóng lên cao và bắt bóng bằng 2 tay” 

- Trò chơi vận động: Tự chọn Đề tài 6 

- Vận động cơ bản : “Chuyện bắt bóng trên đầu, qua chân” - Trò chơi vận động: Tự chọn 

Đề tài 7 

- Vận động cơ bản : “Bật xa 50 cm”. 

- Trò chơi vận động: Tự chọn Đề tài 8 

- Vận động cơ bản : “Bật (nhảy) từ trên cao 45 cm xuống” (Bật sâu) 

- Trò chơi vận động: Tự chọn 1.2. Lĩnh vực giáo dục phát triển ngôn ngữ: Hoạt động làm quen văn học. Đề tài 9 

Truyện “Ai đáng khen nhiều hơn” Đề tài 10 

| Truyện “ Chú Dê đen” Đề tài 11 

| Truyện “Hai anh em” Đề tài 12 

| Truyện “Quả bầu tiên” Đề tài 13 

| Truyện “Cây tre trăm đốt” Đề tài 14 

| Truyện “Sự tích Hồ Gươm” Đề tài 15 

| Truyện “ Chàng Rùa” * Tài liệu tham khảo 

- Sách Chương trình Giáo dục mầm non (Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT - BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 của Bộ GDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình Giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ GDĐT). 

- Hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, mẫu giáo | lớn 5-6 tuổi (Theo Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 của Bộ 

GDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình Giáo dục mầm non). (Tác giả: TS.Lê Thu Hương - TS Trần Thị Ngọc Trâm- PGS.TS.Lê Thị Ánh Tuyết - Đồng chủ biên; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam- Tháng 07/2018). 

- Tuyển chọn trò chơi, bài hát, thơ ca, truyện, câu đố theo chủ đề trẻ 5- 6 tuổi. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 

2. Đối với thi tuyển 

Thực hiện bài thi môn nghiệp vụ chuyên ngành 2.1. Thời gian làm bài: 180 phút 2.2. Nội dung gồm: 2 phần Phần 1 (70 điểm) Soạn 01 giáo án tổ chức hoạt động học trong nội dung chương trình ôn tập. Phần 2 (30 điểm) 

Xử lý 02 tình huống sư phạm trong quá trình thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non. 

Ghi chú: Đối với thi tuyển Thí sinh tuyệt đối không được mang vào phòng thi bất cứ tài liệu gì. 

(Tại phòng thi, thí sinh sẽ được cung cấp bản photo tác phẩm văn học để làm cơ sở soạn bài). 

3. Đối với xét tuyển 

- Thí sinh thực hành thông qua giảng dạy, bốc thăm 1 trong 15 đề tài quy định trên. 

+ Giáo viên thực hành giảng dạy, ngữ điệu phù hợp, rõ ràng, mạch lạc. + Giáo viên giới thiệu tên đề tài, độ tuổi, mục đích yêu cầu và chuẩn bị. 

+ Giáo viên thực hành giảng dạy theo tiến trình hoạt động học, rõ phương pháp, hình thức tổ chức, thời gian... (thể hiện sáng tạo đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động...). 

* Ghi chú: Giáo viên không cầm giáo án trong khi thực hành giảng dạy. - Thời gian giảng không quá 35 phút. 

Phần II 

GỢI Ý THIẾT KẾ BÀI SOẠN Tên đề tài: .. Sự kiện/chủ đề (nếu có):........ Đối tượng dạy (lứa tuổi, số lượng trẻ):...... Thời gian dạy (theo lứa tuổi):.... I. Mục đích, yêu cầu 1. Kiến thức 2. Kỹ năng 3. Thái độ II. Chuẩn bị 

1. Địa điểm tổ chức, đội hình dạy trẻ 2. Xây dựng môi trường học tập (nếu cần sử dụng) 3. Tên, số lượng thiết bị, đồ dùng, đồ chơi (vật liệu cho giáo viên và trẻ III. Cách tiến hành 

| Nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức Thời gian 

| Hoạt động của giáo viên | Hoạt động của trẻ Ghi thời gian 1 - Nêu rõ tên hoạt động, các bước |Các hoạt động tương ứng thực hiện cho | tiến hành. 

của trẻ. từng hoạt động 1 - Các hoạt động của giáo viên. 

* Lưu ý: Giáo viên soạn giáo án trình bày khoa học, đủ, rõ, ngắn gọn. 

+ Mục đích, yêu cầu: Xác định kiến thức, kỹ năng, thái độ rõ về mức độ yêu cầu, phù hợp với độ tuổi, khả năng của trẻ, phù hợp với đề tài và chủ đề/sự kiện (nếu có). 

| + Chuẩn bị: Đủ đồ dùng, phương tiện, học liệu phục vụ hoạt động học của giáo viên và trẻ. 

+ Nội dung: Lựa chọn nội dung dạy phù hợp với đề tài, sự kiện/chủ đề và mục đích yêu cầu. Nội dung kiến thức truyền đạt chính xác, khoa học, tích hợp phù hợp. 

+ Phương pháp: Sử dụng đúng phương pháp đặc trưng của hoạt động, linh hoạt, sáng tạo trong kết hợp các phương pháp giáo dục, khuyến khích áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến. Sử dụng hiệu quả phương tiện, đồ dùng, học liệu phục vụ hoạt động học của giáo viên và trẻ. 

+ Hình thức tổ chức hoạt động: Tổ chức hoạt động học linh hoạt, sáng tạo học thông qua trải nghiệm, lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên tạo cơ hội, hướng dẫn, gợi mở giúp trẻ hứng thú, tích cực hoạt động. 

+ Thời gian: Phân bổ thời gian hợp lý giữa các phần và các hoạt động. 

TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC MẦM NON 

KT. GIÁM ĐỐC PHÓ GIÁM ĐỐC 

Hoàng Thanh Hương 

Phạm Xuân Tiến 

QD 

ACM 

| Phụ lục số 02 DANH MỤC NỘI DUNG TÀI LIỆU ÔN TẬP XÉT TUYỂN, THI TUYỂN VÒNG 2 

VIÊN CHỨC GIÁO DỤC QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ NĂM 2019 

Ban hành kèm theo Quyết định số: 4663 /QĐ-BCĐ TDCCVC ngày 8.1 @ 19 Big Ban Chỉ đạo tuyển dụng công chức cấp xã, viên chức các cơ 

Hà Nội giác ng trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2019) HƯỚNG DẪN CHUYÊN MÔN TUYỂN DỤNG GIÁO VIÊN TIỂU HỌC 

(Năm 2019) 

Phần I NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ÔN TẬP TRONG THI TUYỂN, XÉT TUYỂN GIÁO VIÊN TIỂU HỌC 1. Giới hạn nội dung 15 tiết ôn tập soạn bài, giảng bài các bộ môn: 

| TT Môn | Số lượng bài 

Tài liệu tham khảo - Sách giáo khoa Tiếng Việt 4 - tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Số ĐKXB: 01 2019/CXBIPH/134-935/GD. Số QĐXB:6407/QĐ-GD-HN ngày 19/12/2018 in xong và nộp lưu chiểu quý I năm 2019. - Sách giáo khoa Tiếng Việt 4 - tập 2, Nhà xuất bản Giáo 

dục Việt Nam. Số ĐKXT: 01 - Môn Tiếng Việt: 08 bài Luyện từ | 2019/CXBIPH/135-935/GD. | 1 | Văn hóa và câu). 

Số QĐXB:6408/QĐ-GD-HN - Môn Toán: 07 bài 

ngày 19/12/2018 in xong và (Có biểu chi tiết kèm theo) 

nộp lưu chiểu quý I năm 2019. 

Sách giáo khoa Toán 4, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Số ĐKXB: 02 2018/CXBIBP/136-932/GD. Số QĐXB:3177/QĐ-GD-HN ngày 10/7/2018 in xong và nộp lưu chiểu quý III năm 2018. 

Âm nhac 

15 bài (Có biểu chi tiết kèm theo) 

SGK Âm nhạc 4, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Số QĐXB: 4978/QĐ-GD-HN ngày 29/8/2018. 

Mỹ thuật 

| 15 bài (Có biểu chi tiết kèm theo) 

Thể dục | (GDTC) 

15 bài (Có biểu chi tiết kèm theo) 

Tiếng 

SGK Mĩ thuật 4: Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Số QĐXB: 6052/QĐ-GD ngày 29/10/2014. Sách giáo viên Thể dục lớp 4 của Nhà xuất bản Giáo dục, tái bản lần thứ 4, in xong và nộp lưu chiều tháng 3 năm 2009. Sách Tiếng Anh 4, Sách học sinh tập 2, NXBGD Việt Nam Sách có kèm CD. Tái bản lần thứ 6, in xong và nộp lưu chiểu quý 1 năm 2018. Sách Hướng dẫn học Tin học - Lớp 4, tái bản lần thứ nhất - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. In xong và nộp lưu chiểu quý 3 năm 2018. Tác giả Đào Thái Lai (Chủ biên, Nguyễn Xuân Anh, Trần Ngọc Khoa, Đỗ Trung Tuấn) 

| 15 bài (Có biểu chi tiết kèm theo) 

Anh 

| 6 | Tin học | 15 bài (Có biểu chi tiết kèm theo) 

2. Đối với thi tuyển. Thực hiện bài thi môn nghiệp vụ chuyên ngành 1.1. Thời gian làm bài : 180 phút 1.2. Nội dung gồm: (3 phần) Phần 1: (50 điểm) 

Soạn Kế hoạch dạy học một tiết dạy trên lớp trong chương trình lớp 4 (Theo hạn chế chương trình từng môn). 

Phần 2: (40 điểm) 

Hướng dẫn học sinh giải quyết bài kiểm tra kiến thức môn học hoặc một vấn đề về chuyên môn của môn học. (Riêng môn Văn hóa, có thể hướng dẫn học sinh giải bài tập Toán hoặc Tiếng Việt hoặc cả bài tập Toán và Tiếng Việt). 

Phần 3: (10 điểm) Xử lý tình huống sư phạm. 

Ghi chú: Đối với thi tuyển Thí sinh tuyệt đối không được mang vào phòng thi bất cứ tài liệu gì. 

(Tại phòng thi, thí sinh sẽ được cung cấp bản photo Sách giáo khoa hoặc tài liệu đã ghi ở trên để làm cơ sở soạn bài). 

3. Đối với xét tuyển. 

- Thí sinh thực hành thông qua giảng dạy bốc thăm chọn 1 trong 15 tiết quy định trên; 

- Thời gian giảng bài không quá 35 phút. 

Phần II GỢI Ý THIẾT KẾ KẾ HOẠCH DẠY HỌC 

MÔN: ............... ......... - LỚP 4 

BÀI: ....... I. MỤC TIÊU: Sau tiết học, học sinh có khả năng 1. Kiến thức: 2. Kĩ năng: 3. Thái độ: II. CHUẨN BỊ: 1. Giáo viên: 2. Học sinh: III.CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC CHỦ YẾU | Nội dung | Thời gian | Hoạt động của giáo viên | Hoạt động của học sinh A. Kiểm tra bài cũ | ... phút B. Bài mới 

1. Giới thiệu bài 1 

• phút 2. Bài mới * Hoạt động 1: .. phút 

Hoạt 

động 2: 

... phút 

3. Củng cố 

... phút 

4. Định hướng học tập tiếp theo 

... phút 

* Lưu ý: Trong Kế hoạch dạy học - Cần thể hiện rõ các hoạt động của giáo viên, học sinh và đặc trưng của môn học. - Cần thiết kế linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế. 

- Thể hiện tính sáng tạo, đổi mới trong việc vận dụng các phương pháp và | hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh Tiểu học. 

| Phụ lục số 02 DANH MONỘI DUNG TÀI LIỆU ÔN TẬP XÉT TUYỂN, THI TUYỂN VÒNG 2 

VIÊN CHỨC GIÁO DỤC QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ NĂM 2019 

Bản hành kèm theo Quyết định số: 460 /QĐ-BCĐ TDCCVC ngayền © App của Ban Chỉ đạo tuyển dụng công chức cấp xã, viên chức các cơ 

A sở giá dục trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2019) 

MÔN: VĂN HÓA I. MÔN TOÁN: 07 bài 

TT 

Tên bài | Tiết (theo PPCT). 

Ghi chú 1 | Hình bình hành 

Tuần 19, SGK trang 102 

Sách giáo khoa Toán Diện tích hình bình | Tin 10 SGK Hang 103 4, Nhà xuất bản Giáo hành 

4 dục Việt Nam. Phân số và phép chia sổ Tuần 20, SGK trang 108 

Số ĐKXB: 02 tự nhiên 

2018/CXBIBP/136 Phép nhân phân số | Tuần 25, SGK trang 132 | 932/GD. Só Phép chia phân số | | Tuần 25, SGK trang 135 QĐXB:3177/QĐ Tìm hai số khi biết tông | Tuần 28, SGK trang 147 

GD-HN ngày và tỷ của hai số đó 

10/7/2018 in xong và Tìm hai số khi biết hiệu Tuần 29, SGK trang 150 

nộp lưu chiểu quý III và tỷ của hai phân số đó 

năm 2018. II. MÔN TIẾNG VIỆT: 08 bài TT Tên bài | Tiết (theo PPCT) 

Ghi chú 1 | Động từ 

SGK tập 1 - trang 93 | Sách giáo khoa Tiếng Việt 4 – 

tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục 

Việt Nam. Số ĐKXT: 01 

2019/CXBIPH/134-935/GD. 2 | Tính từ 

SGK tập 1 - trang 110 

Số QĐXB:6407/QĐ-GD-HN ngày 19/12/2018 in xong và 

nộp lưu chiểu quý I năm 2019. Chủ ngữ trong câu kể Ai làm gì? 

SGK tập 2 - trang 6 | Sách giáo khoa Tiếng Việt 4 - 4 | Câu kể Ai thế nào? | SGK tập 2 - trang 23 | 

tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục 5 Vị ngữ trong câu kể 

| Việt Nam. Số ĐKXT: 01 SGK tập 2 - trang 29 Ai thế nào? 

2019/CXBIPH/135-935/GD. 6 |Dấu gạch ngang 1 SGK tập 2 - trang 45 | Số QĐXB:6408/QĐ-GD-HN | 7 | Mở rộng vốn từ 

SGK tập 2 - trang 83 

ngày 19/12/2018 in xong và L Dũng cảm 

nộp lưu chiểu quý I năm 2019. 8 | Câu cảm 

| SGK tập 2 - trang 120 | 

| Phụ lục số 02 DANH MỤC NỘI DUNG TÀI LIỆU ÔN TẬP XÉT TUYỂN, THI TUYỂN VÒNG 2 

VIÊN CHỨC GIÁO DỤC QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ NĂM 2019 l NỘI 

(Băniảnh kèm theo Quyết định số: 4662 /QĐ-BCĐ TDCCVC ngày giá 9019 của Ban Chỉ đạo tuyển dụng công chức cấp xã, viên chức các cơ 

sở giáo dục trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2019) 

Số tiết | Ghi chú Tiết 2 | Sách Âm nhạc 4 

Tiết 4 | Sách Âm nhạc 4. 

Tiết 6 | Sách Âm nhạc 4. 

Tiết 10 | Sách Âm nhạc 4 

Tiết 11 Sách Âm nhạc 4 

Tiết 12 | Sách Âm nhạc 4 

(Tiết 13 | Sách Âm nhạc 4 

MÔN: ÂM NHẠC TT 

Tên bài Học hát: Bài Em yêu hòa bình Nhạc và lời: Nguyễn Đức Toàn - Học hát: Bài Bạn ơi lắng nghe Dân ca Ba-na; Sưu tầm, dịch lời: Tô Ngọc Thanh 

- Kể chuyện âm nhạc: Tiếng hát Đào Thị Huệ | 3 |- Tập đọc nhạc: TĐN số 1 

- Giới thiệu một vài nhạc cụ dân tộc 4 | Học hát: Bài Khăn quàng thắm mãi vai em 

Nhạc và lời: Ngô Ngọc Báu 5 |- Ôn tập bài hát: Khăn quàng thắm mãi vai em 

- Tập đọc nhạc: TĐN số 3 6 | Học hát: Bài Cò lả 

Dân ca đồng bằng Bắc Bộ 7 |- Ôn tập bài hát: Cò lả 

- Tập đọc nhạc: TĐN SỐ 4 - Học hát: Bài Chúc mừng 

Nhạc Nga Lời Việt: Hoàng Lân - Một số hình thức trình bày bài hát - Ôn tập bài hát: Chúc mừng 

- Tập đọc nhạc: TĐN số 5 10 | Học hát: Bài Bàn tay mẹ 

Nhạc: Bùi Đình Thảo Thơ: Tạ Hữu Yên Học hát: Bài Chim sáo Dân ca Khơ-me (Nam Bộ) Sưu tầm: Đặng Nguyễn | Học hát: Bài Chú voi con ở Bản Đôn 

Nhạc và lời: Phạm Tuyên 131: Ôn tập bài hát: Chú voi con ở Bản Đôn 

- Tập đọc nhạc: TĐN số 7 Học hát: Bài Thiếu nhi thế giới liên hoan Nhạc và lời: Lưu Hữu Phước - Ôn tập bài hát: Thiếu nhi thế giới liên hoan - Tập đọc nhạc: TĐN số 8 

Tiết 19 | Sách Âm nhạc 4 

Tiết 20 | Sách Âm nhạc 4 

Tiết 21 | Sách Âm nhạc 4 

Tiết 23 | Sách Âm nhạc 4 

12 V 

Tiết 26 | Sách Âm nhạc 4 

Tiết 27 | Sách Âm nhạc 4 

Tiết 28 | Sách Âm nhạc 4 

Tiết 29 | Sách Âm nhạc 4 

Phụ lục số 02 DANH MỤC NGUNG TÀI LIỆU ÔN TẬP XÉT TUYỂN, THI TUYỂN VÒNG 2 

( VgẾN CHỨC GIÁO DỤC QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ NĂM 2019 

lễ No Midnikèm theo Quyết định số: A 660 /QĐ-BCĐ TDCCVC ngày 10 /2014bia Ban Chỉ đạo tuyển dụng công chức cấp xã, viên chức các cơ 

sở giáo dục trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2019) 

TT 

Ghi chú 

Sách Mĩ thuật 4 

Sách Mĩ thuật 4 

Sách Mĩ thuật 4 

Sách Mĩ thuật 4 

Sách Mĩ thuật 4 

Sách Mĩ thuật 4 

Sách Mĩ thuật 4 

MÔN: MĨ THUẬT Tên bài 

Số tiết Bài 2: Vẽ theo mẫu 

Tiết 2 Vẽ hoa, lá Bài 3: Vẽ tranh 

Tiết 3 Đề tài Các con vật quen thuộc Bài 4: Vẽ trang trí 

Tiết 4 Chép họa tiết trang trí dân tộc Bài 5: Thường thức mĩ thuật 

Tiết 5 Xem tranh phong cảnh Bài 6: Vẽ theo mẫu 

Tiết 6 vẽ quả dạng hình cầu Bài 7: Vẽ tranh 

Tiết 7 Đề tài Phong cảnh quê hương Bài 8: Tập nặn tạo dáng 

Tiết 8 Nặn con vật quen thuộc Bài 10: Vẽ theo mẫu 

Tiết 10 Đồ vật có dạng hình trụ Bài 12: Vẽ tranh 

Tiết 12 Đề tài sinh hoạt Bài 14: Vẽ theo mẫu 

Tiết 14 Mẫu có hai đồ vật Bài 15: Vẽ tranh 

Tiết 15 Vẽ chân dung Bài 17: Vẽ trang trí 

Tiết 17 Trang trí hình vuông Bài 18: Vẽ theo mẫu 

Tiết 18 Tĩnh vật lọ và quả Bài 21: Vẽ trang trí 

Tiết 21 Trang trí hình tròn Bài 25: Vẽ tranh 

Tiết 25 Đề tài Trường em 

Sách Mĩ thuật 4 

Sách Mĩ thuật 4 

Sách Mĩ thuật 4 

Sách Mĩ thuật 4 

Sách Mĩ thuật 4 

Sách Mĩ thuật 4 

Sách Mĩ thuật 4 

| Sách Mĩ thuật 4 

Phụ lục số 02 DANH MỤC NỘI DUNG TÀI LIỆU ÔN TẬP XÉT TUYỂN, THI TUYỂN VÒNG 2 

VIÊN@HUẾ GIÁO DỤC QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ NĂM 2019 

(Ban hành kênh theo Quyết định số: 460 /QĐ-BCĐ TDCCVC ngày 44 / 16, 2019 giờ Ban Chỉ đạo tuyển dụng công chức cấp xã, viên chức các cơ 

sở giáo dục trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2019) 

MÔN: TIẾNG ANH 

TT 

Đơn vị bài học 

Tiết 

Nội dung dạy học 

Tên bài 

Ghi chú 

1. 

Unit 11 - Lesson 1 

WHAT TIME IS IT? 

2. | Unit 11 - Lesson 1 

WHAT TIME IS IT? 

1. Look, listen and repeat. 2. Point and say, 3. Listen and tick. 4. Look and write. 5. Let's sing. 1. Look, listen and repeat. 2. Point and say. 3. Let's talk. 4. Listen and number. 

3. 

Unit 12 - Lesson 2 13 

WHAT DOES YOUR 

FATHER DO? 

4. | Unit 12 – Lesson 2 

| 5. Look and write. 

WHAT DOES YOUR 

FATHER DO? 

6. Let's play. 

1. Listen and repeat. 

5. | Unit 13 - Lesson 3 

15 

2. Listen and tick. Then write and say aloud. 

3. Let's chant. 

WOULD YOU LIKE 

SOME MILK? 

4. Read and complete. 5. Write about your favourite food and drink. 

6. 

Unit 13 - Lesson 3 

WOULD YOU LIKE 

SOME MILK? 

6. Project. | 1. Look, listen and repeat. 

2. Point and say. 

Unit 14 - Lesson 1 

WHAT DOES HE LOOK LIKE? 

WHAT DOES HE LOOK LIKE? 

3. Listen and tick. 8. Unit 14 – Lesson 1 | 2 4. Look and write. 

5. Let's play. 

1. Look, listen and repeat. 9. | Unit 15 - Lesson 2 | 3 | 2. Point and say. 

3. Let's talk. 

WHEN'S CHILDREN'S DAY? 

..] Unit 15 - Lesson 2 

4. Listen and circle. 5. Look and write. 6. Let's play. 

WHEN'S CHILDREN'S DAY? 

1. Listen and repeat. 2. Listen, circle and write. Then say aloud. 

11. 

Unit 16 - Lesson 3 / 5 

LET'S GO TO THE 

BOOKSHOP 

3. Let's chant. 

LET'S GO TO THE 

BOOKSHOP. 

HOW MUCH IS THE 

T-SHIRT? 

4. Read and number. 12. Unit 16 - Lesson 3 | 6 5. Look and write. 

6. Project. 

1. Look, listen and repeat. 13. Unit 17 – Lesson 1 

2. Point and say. 

3. Listen and tick. 14. | Unit 17 – Lesson 1 | 2 | 4. Look and write. 

5. Let's play. 

1. Look, listen and repeat. 15. Unit 18 – Lesson 2 | 3 | 2. Point and say. 

3. Let's talk. 

HOW MUCH IS THE 

T-SHIRT? 

WHAT'S YOUR PHONE NUMBER? 

Phụ lục số 02 DANH MỤC NỘI DUNG TÀI LIỆU ÔN TẬP XÉT TUYỂN, THI TUYỂN VÒNG 2 

| (${ VENCH GIÁO DỤC QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ NĂM 2019 

Ban hành êm theo Quyết định số: 46 60 /QĐ-BCĐ TDCCVC ngày 4 ,291 via Ban Chỉ đạo tuyển dụng công chức cấp xã, viên chức các cơ 

sở giáo dục trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2019) 

12 

www. 

MÔN: THỂ DỤC 

TT Bài học . 

Tên bài 

Ghi chú | Đi nhanh chuyển sang chạy – Trò chơi Bài 35 

Mỗi bài 1 tiết | “Chạy theo hình tam giác”. 

Bài 38 

| Đi vượt chướng ngại vật thấp - Trò chơi 

Mỗi bài 1 tiết “Thăng bằng” 

Bài 40 

Đi chuyển hướng phải, trái - Trò chơi 

Mỗi bài 1 tiết “Lăn bóng bằng tay” 

Bài 41 

| Nhảy dây kiểu chụm hai chân - Trò chơi 

Mỗi bài 1 tiết “Lăn bóng bằng tay” Bài 42 | Nhảy dây – Trò chơi “Lăn bóng bằng tay”. Mỗi bài 1 tiết 

Bài 43. Nhảy dây - Trò chơi “Đi qua cầu” Mỗi bài 1 tiết 7 | Bài 45 

Bật xa - Trò chơi “Con sâu đo” Mỗi bài 1 tiết 

Bài 46 

Bật xa và tập phối hợp chạy, nhảy - Trò chơi 

Mỗi bài 1 tiết “Con sâu đo” 

| Phối hợp chạy, nhảy và chạy, mang, vác - Trò | 

Mỗi bài 1 tiết chơi “Kiệu người” | Phối hợp chạy, nhảy, mang vác - Trò chơi Bài 49 10 

Mỗi bài 1 tiết | “Chạy tiếp sức ném bóng vào rổ” 

Nhảy dây chân trước chân sau - Trò chơi 11 Bài 50 

Mỗi bài 1 tiết “Chạy tiếp sức ném bóng vào rổ” 

| 12 | Bài 52 

Di chuyển tung, bắt bóng, nhảy dây – Trò 

Mỗi bài 1 tiết | chơi “Trao tín gậy” 13 Bài 53 

Nhảy dây, di chuyển tung và bắt bóng. - Trò | 

Mỗi bài 1 tiết chơi “Dẫn bóng” 14 | Bài 67 | Nhảy dây - Trò chơi “Lăn bóng bằng tay” | Mỗi bài 1 tiết 

| Bài 69 

Di chuyển tung và bắt bóng - Trò chơi: 

Mỗi bài 1 tiết “Trao tín gậy” 

15/ 

AV 

MET 1. 

Phụ lục số 02 DANH MUONG DUNG TÀI LIỆU ÔN TẬP XÉT TUYỂN, THI TUYỂN VÒNG 2 

TÊN CHƯ GIÁO DỤC QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ NĂM 2019 

Ban hành kèm theo Quyết định số: 4620 /QĐ-BCĐ TDCCVC ngày 4 X30 229ka Ban Chỉ đạo tuyển dụng công chức cấp xã, viên chức các cơ 

| Ngiáo dục trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2019) 

Y PHO HAY 

MÔN: TIN HỌC 

NIK 

theo | Trang 

Ghi chú 

11 18 

Tiết TT | Chủ đề 

Tên bài 

bài Bài 2: Các thao tác với thư mục | 1 

Bài 4: Các thao tác với tệp | 1 | 1. Khám phá | 3 |máy tính | Bài 5: Sử dụng thiết bị lưu trữ ngoài | 1 

Bài 6: Tìm kiếm thông tin từ Internet Bài 2: Xoay hình, viết chữ lên hình 

vē 6 | 2. Em tập vẽ Bài 4: Sao chép màu 

Bài 5: Thực hành tổng hợp Bài 2: Chỉnh sửa hình, viết chữ lên 

1 hình 

Bài 3: Chèn và điều chỉnh tranh ảnh 3. Soạn thảo trong văn bản văn bản Bài 4: Chèn và trình bày bảng trong 

văn bản Bài 5: Xử lí một phần văn bản, hình và tranh ảnh Bài 2: Sao chép nội dung từ phần mềm khác 

Bài 3: Tạo hiệu ứng cho văn bản | 13 | 4. Thiết kế 

trong trang trình chiếu bài trình chiếu Bài 4: Tạo hiệu ứng cho hình ảnh 

trong trang trình chiếu 

Bài 5: Thực hành tổng hợp 

Phụ lục số 03 DANH GIA HỘI DUNG TÀI LIỆU ÔN TẬP XÉT TUYỂN, THI TUYỂN VÒNG 

VIỆN CHỨC GIÁO DỤC QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ NĂM 2019 Ở (Ban hành kèm theo Quyết định số: 4662 /QĐ-BCĐ TDCCVC ngay ở 2 : gia Ban Chỉ đạo tuyển dụng công chức cấp xã, viên chức các 

cơ sở giáo dục trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2019) 

El. 

ST 

ANH PHOP 

when 

HƯỚNG DẪN CHUYÊN MÔN TUYÊN DỤNG GIÁO VIÊN THCS 

Năm 2019) 

Phần 1 NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ÔN TẬP TRONG THI TUYỂN, XÉT TUYỂN GIÁO VIÊN THCS 1. Giới hạn nội dung 15 tiết ôn tập soạn bài, giảng bài các bộ môn 

(có biểu chi tiết của từng môn kèm theo) | Sách giáo khoa lớp 7,8,9 các môn văn hóa, NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2018 

2. Đối với thi tuyển. Thực hiện bài thi môn nghiệp vụ chuyên ngành 1.1. Thời gian làm bài : 180 phút 1.2. Nội dung gồm: (3 phần) Phần 1: (50 điểm) 

Soạn Kế hoạch dạy học một tiết dạy trên lớp trong chương trình 15 tiết (Theo hạn chế chương trình từng môn). 

Phần 2: (40 điểm) 

Hướng dẫn học sinh giải quyết bài kiểm tra kiến thức môn học hoặc một vấn đề về chuyên môn của môn học. 

Phần 3: (10 điểm) Xử lý tình huống sư phạm. 

Ghi chú: Đối với thi tuyển Thí sinh tuyệt đối không được mang vào phòng thi bất cứ tài liệu gì. 

(Tại phòng thi, thí sinh sẽ được cung cấp bản photo bài dạy trong Sách giáo khoa. Riêng môn Thể dục phô tô bài trong sách hướng dẫn giảng dạy của giáo viên). 

3. Đối với xét tuyển. 

- Thí sinh thực hành thông qua giảng dạy bốc thăm chọn 1 trong 15 tiết quy định trên; 

- Thời gian giảng bài không quá 45 phút. 

| Phần II NỘI DUNG SOẠN GIÁO ÁN TRONG THI TUYÊN GIÁO VIÊN THCS 

Gợi ý thiết kế bài soạn 

+I 

+

Ngày ban hành:
25/10/2019
Ngày hiệu lực:
21/05/1970
Trạng thái:
Đã có hiệu lực
Ngày ban hành:
10/12/2019
Ngày hiệu lực:
Trạng thái:
Đã có hiệu lực

 

Ký bởi: Sở Nội vụ Email: vanthu_sonv@hanoi.gov.vn Cơ quan: Thành phố Hà Nội Thời gian ký: 20.09.2019 09:57:43 +07:00 

| TT | Thời gian 

Từ ngày 03/10/2019 đến 14/10/2019 

Nội dung công việc 

Thực hiện - Hoàn thành việc xếp danh sách dự thi; 

HĐTD; - Thông báo thời gian tổ chức thi các môn trắc nghiệm, số | Ban chỉ đạo. lượng phòng thi, danh sách, số báo danh, sơ đồ điểm thi của tùng Hội đồng thi trên trang website: sonoivu.hanoi.gov.vn , tại các đơn vị có chỉ tiêu tuyển dụng; Các đơn vị có chỉ tiêu thông báo tới thí sinh; - Hoàn thành chuẩn bị cơ sở vật chất, ngân hàng câu hỏi các môn thi trắc nghiệm và các khâu cho các ca thi trắc nghiệm trên máy tính. - Công bố nội dung ôn tập các mã nhóm môn thi nghiệp vụ Ban chỉ đạo. chuyên ngành tại vòng 2. - Ban xây dựng nội dung ôn tập hướng dẫn chi tiết HĐTD Ban chỉ đạo. quận, huyện, thị xã chuẩn bị cơ sở vật chất, cách thức xây dựng, bảo quản đề thi, đáp án thi viết đối với giáo viên và nhân viên. 

Trước ngày 12/10/2019 

Từ 14/10/2019 đến 31/10/2019 

HĐTD. 

Từ 01/11/2019 đến 15/11/2019 

- HĐTD quận, huyện, thị xã chuẩn bị đề, đáp án thi viết, các điều kiện về CSVC, nhân lực để tổ chức vòng 2; - Chủ động tổ chức khai mạc trước ngày thi. 

Từ ngày 15/10/2019 Đến ngày 10/11/2019 

- Tổ chức thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ và Kiến thức | HĐTD; Ban chung trên máy vi tính (có lịch thi cụ thể đối với từng quận, | chỉ đạo. huyện, thị xã); giải quyết các thắc mắc ngay khi thí sinh thi xong mỗi ca. Địa điểm thi tại Trung tâm Đào tạo Công nghệ thông tin và Truyền thông, số 1 Hoàng Đạo Thủy, quận Thanh Xuân, Hà Nội; Ban coi thi của các Hội đồng tuyển dụng đến tổ chức coi thi tại các phòng thi theo lịch của Ban Chỉ đạo, nhận kết quả thi trắc nghiệm 2 môn cho thí sinh ký xác nhận ngay sau khi kết thúc ca thi; 

Trung tâm Đào tạo Công nghệ thông tin và Truyền thông: có trách nhiệm niêm yết danh sách thí sinh dự thi theo đơn vị tại địa điểm tổ chức thi trước khi thi một ngày; Cử Kỹ thuật viên tham gia tại các phòng thi để chụp ảnh thí sinh vào dự thi, cấp mật khẩu đăng nhập cho thí sinh, giải quyết các tình huống kỹ thuật tại các phòng thi giúp các Hội đồng tuyển dụng. Các Hội đồng tuyển dụng: 

HĐTD. - Lập danh sách thi viết vòng 2 đối với các thí sinh đạt 50 điểm trở lên mỗi môn thi trắc nghiệm tại vòng 1; - Chuẩn bị địa điểm, điều kiện CSVC tổ chức thi viết; - Thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện thi vòng 2 trên trang web và niêm yết tại trụ sở các đơn vị (không xếp lại số báo danh); - Thông báo thời gian, địa điểm, phòng thi vòng 2. 

Từ ngày 11/11/2019 đến 15/11/2019 

| TT. Thời gian 

Nội dung công việc 

Thực hiện | - Hoàn thành đề, đáp án thi viết, công tác chuẩn bị CSVC | HĐTD. Ngày phục vụ tổ chức coi thi viết tại các điểm thi: 16/11/2019 - Họp chuẩn bị công tác coi thi, học tập quy chế thi; 

- Tập trung thí sinh, xem số báo danh, phòng thi, học tập 

quy chế thi viết, phổ biến chi tiết lịch thi. 7 giờ 30 ngày | - Tổ chức thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành tại các quận, HĐTD. 11 | 17/11/2019 | huyện, thị xã (thời gian làm bài 180 phút). 

(Chủ nhật) Từ ngày - Tổ chức làm khách bài thi; 

HĐTD. 18/11/2019 

- Chấm thi; 24/11/2019 

- Công bố điểm bài thi viết. Từ ngày Nhận đơn phúc khảo. 

HDTD. 25/11/2019 13 

đến 09/12/2019 Từ ngày - Làm phách phúc khảo; 

HĐTD. 10/12/2019 

- Chấm phúc khảo; 13/12/2019 

- Công bố kết quả chấm phúc khảo. 

12 

đến 

sở 

ỘI VỤ 

đến 

Từ ngày 14/12/2019 

- Tổng hợp, rà soát, báo cáo kết quả thi và đề nghị Chủ tịch UBND quận, UBND cấp huyện quyết định công nhận kết quả thi tuyển; | huyện, thị xã; - Thông báo kết quả thi tuyển. 

HÐTD. 

đến 

20/12/2019 

Từ ngày 21/12/2019 đến tháng 01/2020 

- Hoàn thiện hồ sơ của các thí sinh trúng tuyển. - Hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp ký hợp đồng làm việc UBND quận, 1 với thí sinh trúng tuyển; tập hợp văn bản, lưu trữ hồ sơ huyện, thị xã. 

tuyển dụng. 

3. Về kinh phí tổ chức thi các môn trắc nghiệm trên máy vi tính: 

Hội đồng tuyển dụng các quận, huyện, thị xã chủ động ký hợp đồng với Trung tâm Đào tạo Công nghệ Thông tin và Truyền thông. 

II. Xét tuyển TT | Thời gian 

| Nội dung công việc 

Thực hiện - UBND quận, huyện thành lập Hội đồng xét tuyển; Ban Từ ngày 

Giám sát; 

UBND quận, 20/9/2019 đến 

- Hội đồng xét tuyển căn cứ vào tiến độ triển khai kỳ xét huyện, thị xã; 23/9/2019 

tuyển để thành lập các bạn giúp việc cho phù hợp (không | HĐTD. nhất thiết phải thành lập trong cùng khoảng thời gian này). 

TT 

Thời gian 

Từ ngày 24/9/2019 đến 30/9/2019 

Trước 12/10/2019 

Từ 14/10/2019 đến 31/10/2019 

Nội dung công việc 

Thực hiện - Rà soát lại danh sách đủ điều kiện dự thi theo đúng yêu cầu tại mẫu 3 kèm theo Công văn số 476/SNV-CCVC ngày 13/3/2019 sau khi đã bổ sung theo QĐ số 3455/QĐ-UBND 

UBND quận, ngày 28/6/2019; 

huyện, thị xã; 

HĐTD - Rà soát điều kiện, sửa chữa thông tin cá nhân và dữ liệu liên quan (nếu có); Công bố danh sách đủ điều kiện dự thi, - Công bố nội dung ôn tập kiểm tra, sát hạch vòng 2 đối với trường hợp xét tuyển để thí sinh ôn tập. - Ban xây dựng nội dung ôn tập hướng dẫn chi tiết HĐTD quận, huyện, thị xã chuẩn bị cơ sở vật chất, cách thức xây | 

Ban chỉ đạo. dựng, bảo quản đề, đáp án sát hạch phỏng vấn đối với nhân | viên và thực hành giảng dạy đối với giáo viên. - HĐTD quận, huyện, thị xã chuẩn bị đề, đáp án sát hạch, các điều kiện về CSVC, nhân lực để tổ chức sát hạch; - HĐTD thông báo đến thí sinh về quy trình tổ chức làm bài kiểm tra sát hạch giáo viên, nhân viên; quy định về những loại vật dụng, tài liệu thí sinh được mang vào phòng làm 

HÐTD. bài kiểm tra sát hạch; - Niêm yết số báo danh, phòng, sơ đồ, địa điểm tổ chức làm bài sát hạch; - Tập trung thí sinh, khai mạc, phổ biến hình thức, nội quy, thời gian, địa điểm tập trung xem số báo danh. 

Từ 01/11/2019 

đến 

16/11/2019 

Từ 17/11/2019 dén 30/11/2019 

Tổ chức sát hạch bằng phỏng vấn đối với nhân viên và LNTT thực hành giảng dạy đối với giáo viên 

Từ 

01/12/2019 đến 05/12/2019 

- Thông báo điểm sát hạch. 

HÐTD. 

Từ 

- Giải quyết khiếu nại (nếu có). 

HĐTD. 

06/12/2019 đến 15/12/2019 

Từ 

- Tổng hợp, rà soát kết quả sát hạch và đề nghị Chủ tịch UBND quận, 16/12/2019 

UBND cấp huyện quyết định công nhận kết quả sát hạch; huyện, thị xã đến 

- Thông báo kết quả sát hạch. 

HÐTD. 20/12/2019 Từ ngày - Hoàn thiện hồ sơ của các thí sinh trúng tuyển. 21/12/2019 | - Hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp ký hợp đồng làm việc | UBND quận, đến tháng với thí sinh trúng tuyển; tập hợp văn bản, lưu trữ hồ sơ huyện, thị xã. 01/2020 tuyển dụng. 

10 

Trên đây là lịch thực hiện các nhiệm vụ trong thi tuyển, xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2019 của Thường trực Ban chỉ đạo - Sở Nội vụ, đề nghị UBND quận, huyện, thị xã công bố nội dung trên tại trụ sở, trên công điện tử, Web site của đơn vị để các thí sinh biết, thực hiện, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, lịch và phân công nhiệm vụ chi tiết để thực hiện các khâu trong tuyển dụng đối với đơn vị mình. 

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Ban chỉ đạo (qua Sở Nội vụ) để tổng hợp, xem xét, giải quyết.. 

NghÁM ĐỐC - 

2. 

Nơi nhận: - UBND Thành phố (để báo cáo); } - PCT TT UBND TP Nguyễn Văn Sửu - BCĐ tuyển dụng CCVC TP; 

• UBND quận, huyện, thị xã; 

• HĐTD; Ban Giám sát của quận, huyện, thị xã; - Website: sonoivu.hanoi.gov.vn; - Lưu: VT, CCC; XDCQ. 

sở 8 NỘI VU BU 

.. 

cỞNG 

5

Ngày ban hành:
20/09/2019
Ngày hiệu lực:
Trạng thái:
Đã có hiệu lực
Ngày ban hành:
25/03/2019
Ngày hiệu lực:
Trạng thái:
Đã có hiệu lực

QUY CHẾ DÂN CHỦ TRƯỜNG HỌC 2015- 2016

Thứ ba - 25/09/2016 09:56

PHÒNG GD- ĐT THỊ XÃ SƠN TÂY
TRƯỜNG THCS THANH MỸ
           CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                          Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
Số: 03/QC- THCS THANH MỸ                              THANH MỸ, ngày 12 tháng 9 năm 2016

 
QUY CHẾ DÂN CHỦ CƠ SỞ
           
            - Căn cứ vào luật Giáo dục;
  - Căn cứ vào Thông tư 12/2011/BGD-ĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GD-ĐT về Ban hành Điều lệ trưởng trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
           - Căn cứ Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ chính trị (khóa VII) về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”;
            - Căn cứ Nghị định 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ và chỉ thị 38 của Thủ tướng Chính Phủ về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”;
            - Trường THCS Lê Hồng phong xây dựng quy chế dân chủ năm học 2018 - 2019 với các nội dung sau đây:
            1. Mục đích:
- Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Trường THCSThanh Mỹ  nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, giáo viên, công nhân viên góp phần xây dựng nhà trường trong sạch, vững mạnh;
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên phải là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất, năng lực, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển và đổi mới đất nước;
- Ngăn chặn và chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân, học sinh và các đối tượng khác.
            2. Nguyên tắc:
- Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, giáo viên, công nhân viên gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở Nhà trường, chấp hành nguyên tắc tập trung, dân chủ;
- Phát huy dân chủ trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; đồng thời kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm Hiến pháp, pháp luật và xâm phạm quyền tự do dân chủ của nhân dân, cản trở việc thi hành công vụ ở Nhà trường.
            3. Những việc phải công khai:
- Kế hoạch công tác tuần, hàng tháng, học kỳ và cả năm học của nhà trường;
- Kinh phí hoạt động hàng năm, bao gồm các nguồn kinh phí do ngân sách cấp, các nguồn tài chính khác và quyết toán kinh phí hàng năm của nhà trường;
- Tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật, nâng bậc lương, nâng ngạch và đề bạt cán bộ, giáo viên, công nhân viên;
- Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ nhà trường;
- Nội quy, quy chế nhà trường.
4. Hình thức công khai:
- Thông báo tại hội nghị cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường;
- Thông báo bằng văn bản niêm iết tại văn phòng nhà trường;
            5. Trách nhiệm BGH:
- Tại cuộc họp giao ban định kỳ, Hiệu trưởng đánh giá việc thực hiện công việc thời gian qua, lắng nghe đóng góp của cán bộ, giáo viên, công nhân viên và định ra những công việc phải giải quyết trong thời gian tới của nhà trường.
- Hàng tháng Hiệu trưởng phải xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ của nhà trường.
- Ít nhất một học kỳ Hiệu trưởng có trách nhiệm đánh giá công tác của nhà trường và các bộ phận trong nhà trường, chỉ rõ và đề ra các giải pháp nhằm khắc phục những yếu kém trong việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch, pháp luật, chính sách, chế độ, nội quy, quy chế của nhà trường.
- Hiệu trưởng phối hợp với Công đoàn nhà trường tổ chức Hội nghị cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường mỗi năm một lần vào đầu năm học.
            6. Trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, công nhân viên:
- Cán bộ, giáo viên, công nhân viên phải thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, giáo viên, công nhân viên và không được làm những việc đã bị cấm theo quy định của pháp lệnh của cán bộ, công chức;
- Cán bộ, giáo viên, công nhân viên chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Hiệu trưởng về việc thi hành nhiệm vụ, công việc của mình, có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư;
- Trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, giáo viên, công nhân viên phải phục tùng sự chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên;
- Cán bộ, giáo viên, công nhân viên có quyền trình bày ý kiến đề xuất việc giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình khác với ý kiến của người phụ trách trực tiếp, nhưng vẫn phải chấp hành sự chỉ đạo của người phụ trách trực tiếp, đồng thời có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo lên cấp trên;
- Cán bộ, giáo viên, công nhân viên phải tự phê bình nghiêm túc, phát huy ưu điểm, sữa chữa khuyết điểm để không ngừng tiến bộ, phải thẳng thắn phê bình, đấu tranh để xây dựng nội bộ nhà trường trong sạch vững mạnh; khi được yêu cầu cán bộ, giáo viên, công nhân viên có trách nhiệm đóng góp ý kiến việc xây dựng các văn bản, các đề án của nhà trường.
             7. Trách nhiệm cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của nhà trường.
- Cán bộ, giáo viên, công nhân viên không tiếp nhận và giải quyết công việc của công dân, tổ chức tại nhà riêng;
- Công việc của công dân, tổ chức phải được cán bộ, giáo viên, công nhân viên nghiên cứu xử lý và giải quyết một cách nhanh chóng nhất, thuận tiện nhất và theo đúng quy định của pháp luật;
- Cán bộ, giáo viên, công nhân viên có trách nhiệm bảo vệ bí mật của nhà trường, bí mật công tác và bí mật nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức theo quy định của pháp luật;
- Cán bộ, giáo viên, công nhân viên không được quan liêu, cửa quyền gây khó khăn trong việc giải quyết các công việc của nhà trường, tổ chức, công dân.
            8.  Quy định tiếp dân, thu thập ý kiến từ nhân dân:
- Hiệu trưởng chỉ đạo việc bố trí tiếp dân theo yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị;
- Ban Thanh tra nhân dân của nhà trường có trách nhiệm thu nhận đơn thư, ý kiến được gửi đến và báo cáo Hiệu trưởng. Hiệu trưởng có trách nhiệm nghiên cứu và đề ra những biện pháp hợp lý nhằm tiếp thu và giải quyết các ý kiến đóng góp;
- Khi công dân, các tổ chức trong nhà trường có yêu cầu, nhà trường phải cử cán bộ có trách nhiệm gặp và giải quyết công việc có liên quan.
            9. Trong mối quan hệ với tổ chuyên môn cấp dưới:
- Hiệu trưởng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của nhà trường, của cấp dưới và chịu trách nhiệm về những sai lầm, khuyết điểm có nguyên nhân từ sự chỉ đạo, hướng dẫn của mình;
- Phải thông báo cho tổ chức cấp dưới những chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động và phạm vi trách của tổ chức cấp dưới;
- Hiệu trưởng phải khuyến khích những thông tin, báo cáo trung thực, khách quan của tổ chức cấp dưới, phải xử lý nghiêm khắc những cán bộ, giáo viên, công nhân viên báo cáo sai sự thật, không trung thực.
            10. Trong mối quan hệ với cơ quan cấp trên:
- Hiệu trưởng có trách nhiệm phục tùng sự chỉ đạo, hướng dẫn và chấp hành các quyết định của cơ quan cấp trên.
- Hiệu trưởng có quyền phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, kiến nghị lên cơ quan cấp trên những vấn đề không phù hợp cần sửa đổi bổ sung trong các chế độ, chính sách, các quy định của pháp luật và trong chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên.
- Khi được yêu cầu, hiệu trưởng có trách nhiệm nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các dự thảo về chế độ, chính sách, văn bản qui phạm pháp luật do cơ quan cấp trên gửi đến.
- Hiệu trưởng có trách nhiệm báo cáo tình hình công việc lên cơ quan cấp trên theo quy định, đối với những vấn đề nảy sinh vượt quá khả năng giải quyết thì phải báo cáo kịp thời với cơ quan cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.
- Nội dung báo cáo lên cấp trên phải khách quan, trung thực.
- Quy chế được thông qua HNCNVC Năm học 2015- 2016.
 

T/M BCH CÔNG ĐOÀN
              CHỦ TỊCH
 
 
 
 
 
      Phùng Thị Thu Hà
 
 
 
 
 
                                                                                                               HIỆU TRƯỞNG
 
 
 
 
 
                                                                                                                Lê Văn Thuật
 
 
 
 
                 
Ngày ban hành:
02/10/2016
Ngày hiệu lực:
Trạng thái:
Đã có hiệu lực

tóm tắt

Ngày ban hành:
10/05/2017
Ngày hiệu lực:
14/08/2017
Trạng thái:
Đã có hiệu lực
Thống kê truy cập
Hôm nay : 36
Hôm qua : 105
Tháng 12 : 307
Tháng trước : 2.149
Năm 2023 : 15.068
Năm trước : 475.901
Tổng số : 522.378